Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người DTTS chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống ở 145/151 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển mà địa phương này đặt ra, trong đó các HTX đóng vai trò quan trọng.
Nhiều lãnh đạo HTX là đồng bào dân tộc thiểu số
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh có trên 320 HTX có người DTTS tham gia vào Ban quản lý HTX và trên 100 tổ hợp tác (THT) người DTTS đang quản lý, vận hành hoạt động.
HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia đón tiếp du khách trong và ngoài nước. |
Được biết, Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu) là 2 xã đồng bào Mông, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Tạo động lực giúp bà con phát triển sản xuất, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ thành lập HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (xã Hang Kia) và HTX A Hiệp (xã Pà Cò).
HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia có 11 thành viên. Vốn điều lệ đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh 200 triệu đồng. Năm 2022, tổng doanh thu ước đạt 650 triệu đồng; thu nhập ước đạt 450 triệu đồng, bình quân thu nhập của thành viên 4 triệu đồng/tháng.
Các thành viên HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia đã mạnh dạn đầu tư vốn để làm du lịch cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch. Tất cả tạo thành một chuỗi để thu hút khách du lịch tới khám phá bản sắc văn hóa đồng bào Mông.
Ông Giàng A La, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: Để tạo cho khách du lịch có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông, HTX tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các nhóm gồm: nhóm làm du lịch cộng đồng; nhóm chuyên sản xuất thổ cẩm, trang phục truyền thống của dân tộc Mông; nhóm sản xuất nông nghiệp sạch. Khi du khách lựa chọn dịch vụ nghỉ dưỡng tại nhóm làm du lịch cộng đồng sẽ được trải nghiệm các dịch vụ như: thăm quan mô hình nông nghiệp hữu cơ, trang trại chăn nuôi, vườn mận, vườn đào của bà con. Ngoài ra, du khách còn được tự tay dệt thổ cẩm để làm quà lưu niệm.
Với cách làm như vậy, trung bình mỗi năm HTX Hang Kia đón gần 10.000 lượt khách thăm quan, khám phá, khoảng 50% khách lưu trú. Sản phẩm du lịch cộng đồng Hang Kia của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Tương tự, HTX A Hiệp có 8 thành viên. Vốn điều lệ đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh 200 triệu đồng. Năm 2022, tổng doanh thu ước đạt gần 500 triệu đồng; thu nhập ước đạt 288 triệu đồng, bình quân thu nhập của thành viên 3 triệu đồng/tháng. Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh mở 2 lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho HTX A Hiệp với gần 60 học viên tham gia.
Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo
Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, diện mạo hai xã Hang Kia, Pà Cò đã có nhiều khởi sắc. GRDP bình quân đầu người xã Hang Kia ước đạt 28,5 triệu đồng/người; xã Pà Cò ước đạt 19,4 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo xã Hang Kia giảm 6,75%, từ 36,18% năm 2021 xuống còn 29,43% năm 2022 (giảm 44 hộ); tỷ lệ hộ nghèo xã Pà Cò giảm 6,49%, từ 38,52% năm 2021 xuống còn 32,03% năm 2022 (giảm 38 hộ)…
Nói về mô hình HTX phát triển hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng không thể không nhắc tới HTX nông nghiệp Dương Nam nằm ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, phía Đông Nam tỉnh Hòa Bình. HTX là nơi tập trung đông đồng bào các dân tộc Mường, Dao.
Năm 2017, HTX nông nghiệp Dương Nam được thành lập với hoạt động chính là sản xuất sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 13ha cam giống CS1, bưởi Diễn và chè.
Ông Dương Ngọc Chức, Giám đốc HTX Dương Nam chia sẻ: “HTX gồm 8 thành viên, liên kết thành lập HTX với mong muốn phát huy vai trò “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả cao. Trong quá trình hoạt động, HTX luôn được các cấp, ngành quan tâm, ủng hộ. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 15 triệu đồng. Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy hỗ trợ về kỹ thuật; tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn và thăm quan học hỏi một số mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả”.
Ngoài sản phẩm làm ra, HTX Dương Nam còn thu mua khoảng 600 tấn cam đạt tiêu chuẩn chất lượng của bà con, kết nối với một số cơ sở tại Hà Nội, nên phần lớn sản phẩm được cung cấp cho thị trường Thủ đô và vào các siêu thị lớn như: Big C, Lotte... Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đón nhận, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, đời sống của thành viên được nâng cao. Tổng doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng/năm, thu nhập người lao động đạt từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, HTX Dương Nam được Liên minh HTX tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến trong tạo việc làm thường xuyên, giúp thành viên và người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nhân rộng các mô hình KTTT
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thông qua thành lập và hoạt động của HTX giúp bà con DTTS khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất. Các mô hình HTX trong vùng đồng bào DTTS là động lực quan trọng để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc thành lập và phát triển HTX giúp bà con dân tộc thiểu số khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất |
Có thể nhận thấy, hệ thống HTX của Hòa Bình đã vượt qua những khó khăn ban đầu, dần thích nghi với kinh tế thị trường để duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động; khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và vùng nông thôn, vùng DTTS nói riêng.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn thành lập mới HTX, thu hút thêm thành viên, tăng vốn điều lệ; vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển HTX.
Đồng thời, tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX... Sau khi thành lập, các HTX từng bước khắc phục khó khăn, củng cố tổ chức, nỗ lực đổi mới, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động.
Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX thực hiện hiệu quả dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Xây dựng 4 chương trình đào tạo nghề dưới 3 tháng, mở 11 lớp nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho 333 thành viên và người lao động của các HTX trong tỉnh.
Có thể thấy, ở Hoà Bình với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách dân tộc trong thời gian qua được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,99%, ước giảm 2,5% so với năm 2021). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng, nhóm hộ, giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên; diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có nhiều đổi mới tích cực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh Hòa Bình cho biết: KTTT đang là hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả bền vững ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS của tỉnh Hòa Bình. Hiện có 65% số xã có HTX đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. HTX, THT đóng vai trò quan trọng tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp người dân, thành viên phát huy kinh tế hộ, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
“Thời gian tới, cần tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình KTTT, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tại các vùng khó khăn, vùng DTTS, miền núi. Đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT theo hướng khuyến khích tăng số lượng thành viên, quy mô hoạt động của HTX, thúc đẩy liên kết sản xuất phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm của các tổ chức KTTT, hoạt động của các HTX...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ nhấn mạnh.
Thy Lê