Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định HTX bền vững giúp vượt qua thực trạng nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; thu nhập của nông dân tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung...
Nỗ lực phát triển HTX nông nghiệp
Tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có 19.431 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng số HTX trong các lĩnh vực, thu hút gần 3,8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
![]() |
Trung bình mỗi năm, HTX chè La Bằng đưa ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, năm 2022 đạt doanh thu 4,9 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. |
Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, nước sạch và nhiều dịch vụ khác, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng.
Điển hình như HTX cây ăn trái Minh Thắng, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước hoạt động khá hiệu quả với cây trồng chủ lực là bưởi da xanh. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn có nguồn hàng dồi dào, đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho đối tác, đảm bảo việc làm và nguồn thu cho thành viên với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
HTX thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất. "Sau khi thành lập, các thành viên HTX được tạo điều kiện để vay vốn với tổng khoảng 2 tỷ đồng. Sau 5 năm, chúng tôi đã hoàn trả hết số nợ này", ông Trần Minh Dũng, thành viên HTX cây ăn trái Minh Thắng cho biết.
Thông qua liên kết sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy lợi thế, thúc đẩy tích cực sự phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng vươn lên làm giàu.
Tại Thái Nguyên, HTX chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ) là một trong những mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Ngày đầu thành lập chỉ với 13 thành viên, đến nay HTX đã mở rộng quy mô lên 15 thành viên và 200 hộ dân liên kết sản xuất cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX. Hiện, HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè 30ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6ha đã được chứng nhận mã vùng trồng.
Trung bình mỗi năm HTX chè La Bằng đưa ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, năm 2022 đạt doanh thu 4,9 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Nhờ tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX La Bằng, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, mạnh dạn tái đầu tư mở rộng vùng trồng. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, việc học tập của con em tại địa phương cũng được quan tâm hơn.
Phát huy lợi thế đặc sản vùng miền
Đến thời điểm này, khi nhắc đến mô hình HTX đều có thể định danh ngay được một số sản phẩm tiêu biểu của vùng miền. Điển hình như khi nói đến các sản phẩm quế, hồi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở khu vực Yên Bái, Lào Cai; hay khi nhắc đến sản phẩm bưởi da xanh có thể nghĩ đến các HTX ở Bến Tre, Sóc Trăng; hoặc khi nhắc đến sản phẩm miến dong riềng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu. Ở khu vực miền Trung, khi nhắc đến sản phẩm nho, ai cũng nghĩ ngay đến các HTX nho ở Ninh Thuận…
Như vậy, nhờ có các HTX mà các sản phẩm vùng, miền địa phương có thương hiệu, được người dân trong cả nước biết đến.
![]() |
HTX nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây với ngành nghề chính là thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ vỏ quế, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. |
Hiện nay, đã có nhiều HTX ở các địa phương tuy quy mô nhỏ nhưng hoạt động rất hiệu quả, doanh thu hằng năm đạt trên dưới 20 tỷ đồng. Đây chính là những mô hình điểm để các địa phương khác đến học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Điển hình như mô hình trồng quế ở huyện Bảo Yên (Lào Cai), được coi là giải pháp quan trọng giúp người dân mở rộng sinh kế, tăng thu nhập.
Anh Lý Văn Cầu ở thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn cho biết, tận dụng lợi thế của vùng về cây quế có giá trị kinh tế cao, được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương, anh và một số hộ dân đã cùng nhau góp vốn để thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây với ngành nghề chính là thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ vỏ quế tại địa phương. HTX đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư 5 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ quế.
Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 3/2022 nhưng bình quân mỗi tháng, HTX đã có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng (sau khi đã trừ các chi phí hoạt động), mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trồng quế. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Hay như mô hình HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập ở Mộc Châu (Sơn La) với 20 năm kinh nghiệm phát triển. Nhờ có HTX mà các hộ dân đã liên kết được với nhau để trồng chè, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển, đồng thời đưa cây chè trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu.
Xây dựng ít nhất 300 mô hình HTX nông nghiệp
Nhìn chung, mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm luôn được các tỉnh chú trọng phát triển đồng thời gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia làm động lực thúc đẩy và có tính tương hỗ lẫn nhau. Có thể thấy, hoạt động của HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, giúp người dân giảm nghèo bền vững, tăng khả năng tiếp cận đa chiều.
Chính vì vậy, phát triển mô hình HTX bền vững đang là mục tiêu được Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đề ra mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên.
Xây dựng ít nhất 300 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.
Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 40 - 45% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 3.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Hoàng Hà