Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, nhiều người dân huyện Hải Hậu đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dấu ấn của các HTX
Trong quá trình nâng cao hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Hải Hậu, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác đang khẳng định vai trò quan trọng.
Cây dược liệu đang cho hiệu quả kinh tế cao ở Hải Hậu (Ảnh TL). |
HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc, xã Hải Lộc là một trong những điển hình tiêu biểu nhất. Hoạt động của HTX đã và đang giúp người dân địa phương chuyển đổi mô hình sản xuất trên vùng đất nhiễm mặn kém hiệu quả sang trồng dây thìa canh dược liệu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Muôn trồng dây thìa canh đã gần 10 năm. Nhờ được HTX bao tiêu, sản phẩm của gia đinh bà luôn có giá bán cao từ 32.000 - 35.000 đồng/kg.
Theo bà Muôn, để được HTX hỗ trợ bao tiêu, gia đình phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, thân thiện môi trường.
Đơn cử, khi cỏ mọc trong vườn, thay vì dùng thuốc diệt cỏ, bà Muôn tiến hành cắt bằng máy. Việc này vừa tạo một lớp thảm thực vật để giữ ẩm, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
"Mọi quy trình sản xuất đều được thực hiện theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe, thân thiện môi trường. Trồng dây thìa canh không mất công sức quá nhiều, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, ngô... từ 3 - 4 lần”, bà Muôn phấn khởi nói.
Cùng với HTX Hải Lộc, Tổ hợp tác trồng dược liệu xã Hải Quang cũng đang hoạt động tốt. Mô hình trồng đinh lăng của Tổ hợp tác đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/vụ, giúp nhiều nông dân đổi đời.
Ông Bùi Văn Sơn, một trong những người đi đầu trong phát triển mô hình trồng trồng đinh lăng ở địa phương cho hay, sau nhiều năm vất vả, gia đình ông tình cờ biết đến mô hình trồng cây đinh lăng và mạnh dạn chuyển sang trồng thử nghiệm trên 6 sào ruộng. Chỉ trong 3 năm, vườn đinh lăng của gia đình đã thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, từ khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Traphaco, ông được hướng dẫn quy trình sản xuất đinh lăng sạch, thân thiện môi trường, việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu ngày càng thuận lợi.
Phát triển theo hướng bền vững
Mô hình trồng dược liệu sạch, thân thiện môi trường đang cho thấy tiềm năng lớn trên địa bàn huyện Hải Hậu. Đáng chú ý, Hải Hậu là một trong 2 huyện của tỉnh Nam Định được chọn thực hiện Dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (BioTrade).
Huyện chủ trương phát triển mô hình theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường (Ảnh TL). |
Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều trồng cây đinh lăng với diện tích ngày càng được mở rộng, tập trung chủ yếu tại các xã Hải Ninh, Hải Quang, Hải Châu, Hải Giang, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Hà...
Huyện đang chú trọng công tác quy hoạch vùng phát triển dược liệu đinh lăng theo hướng bền vững nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các công ty dược liệu và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhiều hộ trong huyện tận dụng đất chuyển đổi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng kết hợp với chăn nuôi thủy hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm tới, phát triển cây dược liệu tiếp tục là một trong 3 cây trồng chính trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Hải Hậu. Đây được coi là chiến lược nhằm mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển.
Hưng Nguyên