Cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Tơ, thành viên tổ hợp tác, xã Hòa Khánh Tây, đã quyết định chuyển đổi 0,5 ha đất trồng mía sang trồng ổi xen chanh. Đến nay, 300 gốc ổi và 200 gốc chanh của gia đình chị đã cho thu hoạch hơn 1 năm, cho thu nhập kinh tế cao gấp 3 lần trồng mía.
Canh tác an toàn sinh học
Nhờ sự đồng hành của tổ hợp tác, chị Nguyễn Thị Tơ áp dụng phương thức trồng và chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại, chỉ bón phân hữu cơ quanh gốc và diệt cỏ bằng máy cắt, giúp giảm chi phí, bảo vệ môi trường.
Mô hình trồng ổi theo hướng an toàn sinh học cho hiệu quả cao hơn (Ảnh TL). |
Theo chị Tơ, trồng ổi không quá khó, quan trọng nhất là tưới nước đầy đủ, khoảng cách giữa cây với cây không quá gần để cây đủ điều kiện phát triển. Cứ 6 tháng cần tỉa đọt một lần để cây ổi chẻ nhánh và không vượt cao quá, giúp cho cây sai trái và người trồng cũng dễ thu hoạch.
“Khi ổi cho trái, tôi tiến hành bao trái lại để hạn chế sâu rầy phá hoại, làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng ổi. Việc bao trái cũng giúp hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo sức khỏe người sản xuất”, chị Tơ cho hay.
Nhờ sản xuất sạch, chú trọng an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ của gia đình chị Tơ khá ổn định. Bình quân mỗi tháng, chị bán ra trên 300 kg ổi, 200 kg chanh, trừ chi phí mang lại thu nhập 4 – 6 triệu đồng.
Mô hình trồng ổi, đặc biệt là trồng ổi xen chanh đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện Đức Hòa, với tổng diện tích xấp xỉ 100 ha. Riêng xã Hòa Khánh Tây có trên 10 ha.
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường, nhiều hộ gia đình trồng ổi đã áp dụng sản xuất VietGAP, với tiêu chuẩn “bốn đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian) trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa, mô hình trồng ổi VietGAP đang cho thấy những tiềm năng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả về môi trường sinh thái. Là vùng đất kén cây trồng, vườn ổi, hay vườn ổi xen chanh là một giải pháp tận dụng tốt nguồn đất trống, không để đất hoang hóa.
Chất lượng sẽ là "chìa khóa" để thương hiệu ổi Đức Hòa được nâng cao (Ảnh TL). |
Qua thực tế, mô hình trồng ổi không phải đầu tư quá nhiều chi phí cũng như công chăm sóc, song đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Đức Hòa có thu nhập đều đặn, trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày.
Vì không tốn nhiều thời gian nên ngoài vườn ổi, các hộ vẫn có thể canh tác và chăm sóc đất ruộng, nuôi bò, nuôi dê và làm thêm nghề mộc.
Khi quy trình sản xuất đang dần được hoàn thiện theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường, huyện Đức Hòa đang tích cực công tác phát triển thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các hộ trồng ổi.
Từ năm 2016 đến nay, nhiều tổ hợp tác trồng ổi trên địa bàn huyện được thành lập, từ đó liên kết nông dân phát triển sản xuất sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với các đối tác thu mua.
Hiện, bên cạnh việc tiêu thụ tại địa phương, các khu chợ truyền thống trong tỉnh, ổi VietGAP đã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành lân cận như TP. HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp… Giá bán ổn định ở mức 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Trong thời gian tới, huyện Đức Hòa dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng ổi theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, hoàn thiện bao bì, nhãn mác để tăng tính nhận diện, tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ đó nâng tầm thương hiệu ổi VietGAP Đức Hòa.
Nhật Minh