Ba Chẽ có diện tích trên 56,6ha là đất rừng, có điều kiện thuận lợi phát triển lâm nghiệp, trồng và chế biến dược liệu. Từ lâu, nguồn tài nguyên rừng của Ba Chẽ được đánh giá là độc đáo, mức độ đặc hữu cao, còn chưa khám phá hết.
Phát triển khoa học
Nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng của các loại cây dược liệu có thế mạnh, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ giống, vốn, cùng các ưu đãi đến các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cây dược liệu đang được huyện định hướng phát triển theo hướng khoa học, thân thiện môi trường (Ảnh TL). |
Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp, HTX và gần 800 hộ dân tham gia trồng và chế biến dược liệu.
Tổng diện tích trồng dược liệu của huyện hiện đạt gần 900 ha bao gồm các loại dược liệu quý như ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, đẳng sâm, sâm cau đỏ, quế,… với sản lượng bình quân đạt gần 115 tấn dược liệu các loại/năm.
Đáng chú ý, để đảm bảo tính bền vững, huyện đang chủ động hỗ trợ, định hướng các mô hình trồng dược liệu phát triển theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, từ đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh thị trường.
Điển hình như tại HTX kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ (xã Đồn Đạc), toàn bộ quy trình sản xuất từ trồng trọt đến chế biến đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Đơn cử, trong khâu trồng trọt, toàn bộ vùng trồng nguyên liệu của HTX được bố trí xa các khu chăn nuôi để tránh nguy cơ gây ô nhiễm. Nguồn đất, nguồn nước cũng được xử lý kỹ càng đảm bảo cho khả năng sinh trưởng của cây và chất lượng sản phẩm.
Trong quá trình canh tác, HTX loại bỏ hoàn toàn các hóa chất độc hại, tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Khi sử dụng máy móc, HTX cũng thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, để máy móc vận hành hiệu quả và giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường.
Hiệu quả nâng lên
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, các mô hình trồng dược liệu trên địa bàn huyện Ba Chẽ những năm qua phát triển ổn định, liên tục cho hiệu quả kinh tế cao.
Sản phẩm dược liệu Ba Chẽ đang ngày càng được nhiều người biết tới (Ảnh TL). |
Theo thống kê, toàn huyện Ba Chẽ hiện có gần 200 hộ tham gia vào dự án trồng trà hoa vàng tập trung. Việc phát triển và nhân rộng cây trà hoa vàng đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình, giúp các hộ dân ổn định kinh tế sau khi thoát nghèo.
Gia đình anh Tô Văn Hiền, ở khu 7, thị trấn Ba Chẽ là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia chương trình phát triển cây dược liệu trà hoa vàng của địa phương.
Anh được huyện hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, anh Hiền đã trồng được hơn bốn nghìn gốc trà hoa vàng với tổng diện tích gần 2 ha.
Anh Hiền chia sẻ, từ khi tham gia chương trình phát triển cây trà hoa vàng đến nay, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định, có của ăn của để.
Mong muốn của anh và các hộ gia đình trong huyện là chính quyền, các HTX, doanh nghiệp sớm có giải pháp tiêu thụ sản phẩm ổn định để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Ba Chẽ sẽ tập trung ưu tiên chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu quý để mang lại những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt, chú trọng phát triển sản xuất an toàn, đem lại hiệu quả toàn diện cho người dân.
Ngoài việc phát triển vùng trồng cây nguyên liệu, huyện Ba Chẽ cũng sẽ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hưng Nguyên