HTX Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội đã biến đất hoang thành Nông trại hữu cơ GenXanh, trung bình, mỗi tháng Nông trại rau hữu cơ GenXanh cung ứng ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn rau, củ đạt chuẩn hữu cơ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội.
Đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng
Anh Nguyễn Đức Chinh, Giám đốc HTX chia sẻ, toàn bộ sản phẩm rau được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, HTX có nhóm Zalo và Facebook. Trên cơ sở đó, mỗi tuần, HTX thực hiện giao hàng vào 3 ngày. Trước ngày giao hàng, các sản phẩm được đưa lên trang, lên nhóm để khách hàng lựa chọn.
HTX gom đơn, thu hoạch, đóng gói và chuyển đến người tiêu dùng trong ngày. Các khách hàng thân thiết thường đặt các gói sản phẩm để sử dụng từ 5 - 7 ngày, vừa có giá ưu đãi, lại tiết kiệm chi phí chuyển hàng.
Nhiều HTX đã phát triển mô hình nông nghiệp sạch, bền vững, cho thu nhập cao. |
Mặc dù sản xuất theo quy trình hữu cơ, nhưng HTX luôn cân nhắc vấn đề lợi nhuận để giá rau đến tay người tiêu dùng không cao hơn nhiều so với giá rau thông thường. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được các sản phẩm khác và ngày càng có nhiều người được sử dụng nông sản sạch.
“Cũng có lúc, lượng rau sản xuất ra nhiều hơn so với đơn hàng, dẫn đến tình trạng dư thừa, chúng tôi lại có các chương trình khuyến mại, giảm giá cho người tiêu dùng và đó cũng là hình thức để tri ân khách hàng”, anh Chinh nói.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, HTX Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh cung cấp ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn rau xanh. Anh Chinh cho biết, anh đang chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình và mạng lưới tiêu thụ nông sản hữu cơ cho mọi người để cùng xây dựng vùng trồng hữu cơ lớn mạnh. Đó cũng là cách để ngày càng có thêm nhiều người được sử dụng nông sản chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng sống.
Sản xuất ổn định, HTX Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh đang tạo việc làm cho 8 lao động, trong đó có 3 người bị khuyết tật câm, điếc.
Bà Nguyễn Thị Luận làm việc tại HTX tâm sự: “Mỗi ngày công, chúng tôi nhận được 200.000 đồng, tháng làm đủ công được từ 5 - 6 triệu đồng. Ở đây, người trẻ khỏe đều đi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp hoặc nhanh nhẹn thì chạy chợ. Những phụ nữ lớn tuổi như chúng tôi khó tìm được việc làm trong doanh nghiệp, chỉ công việc đồng áng là phù hợp nhất”. Các lao động làm cho HTX đều là người địa phương và nhiều người có ruộng cho HTX thuê, thu nhập cao hơn so với tự trồng ngô, trồng lạc trước kia.
Hoạt động hiệu quả của HTX Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh và các HTX, tổ hợp tác đã đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 299 hộ nghèo (tỷ lệ 0,57%) và 1.157 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,20%). Ngoài ra, cuối năm 2022, kết quả giảm 228 hộ nghèo (đạt 217%), giảm 931 hộ cận nghèo (đạt 155%); hộ nghèo của huyện còn 299 hộ (tỷ lệ 0,57%) và 1.157 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,20%)...
Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp sạch
Cũng giống như HTX Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh, tại huyện Đông Anh, mô hình HTX kiểu mới kết hợp mô hình nông nghiệp sinh thái của HTX Dâu tây và Nho Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Ngọc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Anh Vũ Văn Lực, Giám đốc HTX cho biết, nông trại dâu tây của HTX chia thành hai khu vực: Nhà kính và ngoài trời. Cả hai đều cho khách tự do tham quan, chụp ảnh miễn phí. Nhờ sử dụng các loại phân bón hữu cơ kết hợp chăm sóc thường xuyên, nhà vườn đảm bảo với khách hàng về chất lượng sản phẩm những quả dâu, quả nho mọng nước hái trên cây. Bên cạnh đó, vào những ngày cuối tuần, HTX sẽ phục vụ khách đến thăm quan và ăn tối với những món nướng đơn giản.
Theo anh Lực, sản lượng mỗi vụ thu hoạch phụ thuộc vào hiệu quả chăm sóc. Đối với dâu, 1 ha cho thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn. Nho thu được nhiều hơn, khoảng 20 tấn/ha. Vụ trước, doanh thu từ nông sản bán tại vườn lên tới 500 triệu đồng. Bên cạnh nguồn thu nhập ổn định, nông trại tạo công ăn việc làm cho hơn 10 công nhân tại chỗ, với mức lương ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Một số HTX được hình thành vừa để phục vụ cho tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch vừa góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên. |
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Nguyễn Xuân Tưởng cho biết, trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, toàn bộ dải đất ven sống được phù sa bồi đắp, mô hình trồng cây ăn quả đang phát triển rất tốt. Đặc biệt, thời gian vừa qua, HTX dâu tây và nho Vĩnh Ngọc đã thu gom được diện tích của bà con nông dân trên địa bàn để thuê trồng và sản xuất, phát triển trồng dâu, nho và kết hợp với mô hình sinh thái. Đây là một mô hình rất mới trên địa bàn huyện Đông Anh và đã cho hiệu quả kinh tế khá cao, ổn định đời sống cho bà con nông dân, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ, trong định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới, bên cạnh việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, một nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp xanh, xây dựng những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, đồng thời tích hợp đa giá trị vào sản phẩm.
Các HTX sản xuất sạch đã quy tụ được số lượng lớn thành viên, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Cùng với đó, các HTX cũng đã xây dựng được sản phẩm thương hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP và đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường.
Nhờ phát triển kinh tế HTX, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn. Đáng chú ý, đến nay trên địa bàn huyện Đông Anh không còn hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2022, huyện có thêm 8 xã, gồm: Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng và Nam Hồng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện lên 12 xã trên tổng số 23 xã; các xã còn lại đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, Đông Anh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các xã đầu tư, thực hiện các tiêu chí còn thiếu, đồng thời nâng cao các tiêu chí đã đạt; tập trung nguồn lực thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị; hướng dẫn các HTX nông nghiệp xây dựng, phát triển mô hình các HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao; xây dựng các chuỗi liên kết giữa người nông dân-nhà khoa học và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành và Liên minh HTX TP. Hà Nội đã tạo điều kiện để cho các HTX phát huy tiềm năng, thế mạnh để thực hiện và mở rộng quy mô, diện tích sản xuất. Một số HTX được hình thành vừa để phục vụ cho tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch vừa kết hợp với du lịch sinh thái cho nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội.
"Với vai trò của Liên minh HTX, chúng tôi thường xuyên quan tâm, hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho HTX. Cùng với đó, trong quá trình triển khai, HTX có nhu cầu vay vốn của Liên minh HTX, chúng tôi cũng có quỹ hỗ trợ phát triển và tạo điều kiện cho các HTX vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Tiến Phong chia sẻ.
Hoàng Hằng