Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong các làng nghề ở thủ đô, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua các mô hình HTX điển hình, các làng nghề sẽ có biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.
“Khâu nối” được HTX gắn với bảo vệ môi trường
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội, hiện, có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng nghề trên toàn quốc với 47 nghề thủ công, trong đó, nhiều nghề đang có xu hướng phát triển mạnh như: gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc, sơn mài…
Việc áp dụng SXSH tại các làng nghề, đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường. |
Các làng nghề đã và đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là khu vực ngoại thành, thu hút được lượng lớn lao động trẻ vùng ngoại thành.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bên cạnh vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn thì sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm, trong đó nêu cao tính trách nhiệm của HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình trong vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT).
Tại HTX công nông nghiệp Kim Lan, huyện Gia Lâm, đây là cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, cũng đã áp dụng SXSH chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc HTX cho hay, HTX đã thay đổi công nghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò nung gas hiện đại, góp phần giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia, với lò thủ công, con số này khá cao (khoảng 20%), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Môi trường làm việc của công nhân cũng được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.
“Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong xã Kim Lan nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua mô hình của HTX, các làng nghề sẽ có các biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững”, ông Dũng nói.
Cũng giống như ở xã Kim Lan (huyện Gia Lâm), tại huyện Thạch Thất đã “khâu nối” được các doanh nghiệp với HTX tại các làng nghề để thu gom rác thải theo hướng “hai bên cùng có lợi”. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua vật liệu của HTX tại làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, làng nghề đồ mộc, may xã Hữu Bằng... nên hạn chế được tình trạng người dân đốt, đổ trộm phế thải nơi công cộng.
Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Hiện nay, để khắc phục ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất tại các làng nghề là áp dụng các giải pháp SXSH. Giải pháp này đang được UBND TP. Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm cho triển khai từ nhiều năm nay.
Điển hình như xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), vài năm gần đây, một số cơ sở sản xuất tăm hương đã tích cực thu gom bụi, vật liệu thừa để ép bán lại cho các cơ sở sản xuất thành than củi, hạn chế việc đốt rác thải gây ô nhiễm không khí.
Khi các làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải bài toán về môi trường, mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. |
Ông Nguyễn Tiến Thi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu chia sẻ, HTX đã áp dụng SXSH trong quá trình sản xuất, cụ thể HTX chỉ sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên, không ngâm tẩm hóa chất để bảo đảm sức khỏe con người và hạn chế ô nhiễm môi trường không khí.
HTX cũng đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Việc se tay truyền thống được thay thế bằng máy móc giúp năng suất lao động tăng, thành phẩm vừa đẹp lại đều. Chất lượng và mùi thơm của hương vẫn được đảm bảo.
Hay như, tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, một số HTX mây tre đan ở đây cũng đã áp dụng SXSH, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thủy, giám đốc HTX mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh, chia sẻ: Trước khi thực hiện SXSH, HTX bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua.
Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt, cũng ở khâu này, thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt.
Khi thực hiện SXSH, kết quả mang lại thật không ngờ, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà HTX không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.
Như vậy, để BVMT làng nghề, làng nghề truyền thống được tốt hơn, bà Đào Thị Anh Điệp, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội khẳng định trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, BVMT làng nghề để các HTX, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện.
Trước mắt, các làng nghề, làng nghề truyền thống cần nhân rộng các mô hình HTX thực hiện xử lý môi trường có hiệu quả tốt, khuyến khích các làng nghề ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, có cơ chế khuyến khích hình thành các hương ước, quy chế BVMT của các làng, xã để buộc các hộ sản xuất có trách nhiệm BVMT và giám sát BVMT.
Về lâu dài, cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải theo quy trình, gắn công tác BVMT tại các làng nghề, làng nghề truyền thống với chương trình xây dựng nông thôn mới và chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương.
Có thể nói, khi các làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải bài toán về môi trường, mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Bởi vậy, việc SXSH để giảm thiểu ô nhiễm, tăng năng suất sẽ là lời giải “kép” cho bài toán kinh tế của các làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Minh Thành