Chủ trương áp dụng công nghệ cao vào khâu chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng giúp Đồng Phú tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu điều nhân, bảo đảm đầu ra ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chú trọng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường
Cho đến nay, điều vẫn là một trong những cây trồng thế mạnh có diện tích thuộc tốp đầu trong nhóm các cây công nghiệp lâu năm của huyện Đồng Phú.
Đồng Phú đang hỗ trợ người dân phát triển mô hình trồng điều theo hướng hữu cơ (Ảnh TL) |
Định hướng phát triển cây điều trong thời gian tới của huyện là tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hút đầu tư chế biến sâu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu…
HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Thành Công (xã Đồng Tâm) đang là điểm sáng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến hạt điều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của huyện.
Thành Công cũng là một trong những HTX được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt dự án liên kết sản xuất điều hữu cơ theo chuỗi giá trị.
Ông Mai Ngọc Luận - đại diện HTX cho hay, sản xuất theo hướng hữu cơ đòi hỏi các hộ trồng điều phải nắm vững quy trình kỹ thuật, đặc biệt là trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, khi sử dụng phân bón, thành viên HTX được tư vấn những loại phân bón đúng theo danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thân thiện môi trường.
Liều lượng phân bón cũng được tính toán kỹ lưỡng để vừa đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây, vừa tránh dư thừa lãng phí, gây ô nhiễm, thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, và đặc biệt là làm giảm chất lượng hạt điều.
Hay như trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bên cạnh lựa chọn các loại thuốc đúng quy định, có nguồn gốc sinh học, việc phun thuốc cũng được thành viên HTX thực hiện đúng cách để giảm thất thoát, hạn chế phát tán ra không khí, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX đang phát triển ổn định. Hiện, HTX có 39 thành viên với tổng diện tích canh tác 650 ha, trong đó 600 ha điều. Sản phẩm hạt điều thô do HTX sản xuất năm 2019 đạt 540 tấn, tổng doanh thu sản xuất và cung ứng dịch vụ 11.300 triệu đồng.
Hình thành chuỗi giá trị
Gắn bó với cây điều hơn 20 năm nay, ông Phan Văn Tiến (xã Tân Tiến) cho rằng, các tiến bộ kỹ thuật mới hiện nay chưa được ứng dụng đại trà, biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ cũng chưa được nhiều nông dân quan tâm.
Nhờ chất lượng cao, điều hữu cơ có lợi thế cạnh tranh mạnh (Ảnh TL) |
Vì vậy, việc hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến và tiêu thụ điều theo hình thức HTX để sản xuất điều sạch theo các tiêu chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP... là việc làm rất cần thiết, nhằm nâng cao giá trị hạt điều, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay, tổng diện tích trồng điều của huyện Đồng Phú là trên 14.200 ha. Thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển ngành điều Bình Phước”, thời gian qua huyện đã tư vấn, hỗ trợ 2 HTX trồng điều chuyên canh đăng ký tham gia chuỗi liên kết điều hữu cơ với diện tích khoảng 800 ha.
Huyện cũng đang triển khai hỗ trợ mô hình điều tái canh cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 4.576 cây, tương đương khoảng 25 ha; tổ chức cho gần 200 người học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.
Theo kế hoạch, định hướng phát triển ngành điều huyện Đồng Phú đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vẫn là ổn định diện tích đang có, năng suất bình quân đạt 1-1,2 tấn/ha.
Với tái canh, trồng mới sử dụng 100% giống điều được Bộ NN&PTNT công nhận. Huyện phấn đấu có ít nhất 720 ha điều sản xuất theo quy trình hữu cơ, hình thành ít nhất 2 cánh đồng lớn đối với cây điều, mỗi cánh đồng từ 100 ha trở lên.
Nhật Minh