Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (làng Ia Sa, xã Hbông) cho biết, cách đây hơn 2 năm, vườn hồ tiêu của gia đình bà đồng loạt khô héo, chết hàng loạt. Được người thân giới thiệu, bà quyết định cải tạo đất, chuyển sang trồng 700 cây chanh. Cây chanh phát triển tốt, sinh trưởng mạnh, hiện đã bắt đầu cho thu hoạch.
Hiệu quả từ chuyển đổi
Theo bà Dung, chi phí đầu tư trồng chanh tứ quý chỉ 15 ngàn đồng/cây, lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng rất ít.
Việc chuyển từ cây truyền thống như hồ tiêu, cà phê sang cây ăn quả đang mang lại hiệu quả cao ở Chư Sê (Ảnh TL) |
Cây chanh tứ quý có khả năng đề kháng sâu bệnh khá cao, vì vậy bà Dung chỉ cần phun duy nhất 1 lần vào thời điểm cách 2-3 tháng trước khi cây chanh ra hoa, liều lượng vừa phải để ngăn ngừa và kích thích cây ra hoa, cho quả nhiều.
Chi phí đầu tư thấp song hiệu quả của chanh tứ quý lại rất cao. Với 700 cây chanh, bình quân mỗi ngày, gia đình bà Dung thu hái khoảng 2-3 tạ trái. Giá trung bình 10.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi ngày bà thu về 2,5-3 triệu đồng.
“Hàng năm, gia đình tôi còn chiết cành để bán giống cho nguồn thu ổn định. Không chỉ cho thu nhập cao, việc giảm thiểu thuốc trừ sâu, phân bón góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, bà Dung phấn khởi nói.
Năm 2017, nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, bà Đặng Thị Phùng (làng Kte) đã quyết định thay thế diện tích trồng bắp, sắn truyền thống sang trồng giống táo xanh.
Đến nay, mô hình trồng táo đang mang lại nguồn thu cao và ổn định cho gia đình bà Phùng. Với sản lượng bình quân 3 - 3,5 tấn/vụ, giá bán ổn định ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg, bà Phùng thu về 30 - 40 triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần trồng ngô, sắn.
Theo bà Phùng, không chỉ chuyển đổi cây trồng, người dân địa phương còn thay đổi cả về tư duy sản xuất. Nếu trước đây, hầu hết các vườn cây đều nồng nặc mùi hôi bởi người dân lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thì nay phương thức sản xuất VietGAP được áp dụng, năng suất cây trồng nâng lên, môi trường sinh thái được đảm bảo.
Đơn cử, với cây táo, gia đình bà Phùng áp dụng sản xuất sạch, nói không với các loại hóa chất độc hại, ngoài danh mục cho phép. Các loại phân hữu cơ, vi sinh được ưu tiên, việc phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được tính toán kỹ lưỡng để không gây ô nhiễm môi trường, giữ được chất lượng sản phẩm.
Chú trọng môi trường để phát triển bền vững
Cây nhãn trái vụ ở Chư Sê cũng đang cho thấy những tiềm năng lớn. Nhận thấy hiệu quả khả quan mà cây nhãn mang lại, huyện đã phối hợp với HTX Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân để xúc tiến triển khai chuỗi liên kết trồng nhãn theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo hiệu quả lâu dài cho người dân.
Yếu tố môi trường ngày càng được các hộ trồng cây ăn trái chú trọng (Ảnh TL) |
Mô hình trồng nhãn của HTX Trường Xuân đang thu hút 120 hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê, tổng diện tích ban đầu đạt hơn 30 ha.
Để đảm bảo tính bền vững của mô hình, HTX cử cán bộ đồng hành cùng các hộ dân triển khai phương pháp trồng trọt an toàn, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, và đặc biệt là bảo vệ môi trường đất, nước.
“Nhãn là cây dễ trồng, cho năng suất ổn định, tuy nhiên, để chất lượng quả tốt thì chất lượng nguồn đất, nguồn nước là đặc biệt quan trọng. Việc bón phân, phun thuốc tùy tiện có thể khiến đất, nước bị thoái hóa, nguy hại rất lớn, vì vậy chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khâu này”, ông Ngô Trọng Phượng, Giám đốc HTX phân tích.
Theo đại diện UBND huyện Chư Sê, vài năm trở lại đây, do cây cà phê và hồ tiêu nhiễm bệnh và già cỗi nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các loại cây ăn quả.
Chỉ tính riêng cây có múi, toàn huyện hiện có khoảng 100 hộ gia đình triển khai mô hình, với tổng diện tích 50 ha.
Để trợ lực cho người dân, huyện đã có cơ chế hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha cây trồng bằng phân bón, vật tư, thiết bị tưới, đồng thời tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tế vườn cây của các hộ trồng cây.
Hưng Nguyên