Xác định việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị là hướng đi chủ chốt, các mô hình khuyến nông đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 14/10/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, Nghị quyết 37/NQ-HĐND ngày 24/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến và bền vững đến năm 2020.
Phát huy lợi thế kinh tế vùng
Để phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng mô hình áp dụng theo hướng phát huy tối đa lợi thế kinh tế vùng, từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị gia tăng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng thành công các mô hình điểm, đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho hộ, nhóm hộ sản xuất.
Có thể kể mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn; liên kết sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; chăn nuôi thỏ sinh sản; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi bò; chăn nuôi gà an toàn sinh học…
Ông Lê Văn Tiên - Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại và Sản xuất nông sản sạch an toàn Đại Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), cho biết: với sự tư vấn hiệu quả về kỹ thuật sản xuất của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, năm 2016 gia đình ông chuyển đổi 2.500 m2 diện tích đất lúa sang sản xuất rau, củ, quả theo quy trình sản xuất an toàn, đầu ra sản phẩm ổn định, giá bán cao hơn rau sản xuất theo quy trình truyền thống 20 - 25%. Từ hiệu quả rõ nét của mô hình, năm 2017 các hộ khác có chung nhu cầu, mục tiêu sản xuất đã tham gia thành lập HTX ngành hàng với 11 hộ sản xuất, diện tích sản xuất 2ha.
Đến nay, HTX phát triển sản xuất ổn định, sản phẩm được chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, đầu ra sản phẩm đều được kiểm soát và ký kết tiêu thụ ổn định. HTX định hướng mở rộng phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với nuôi trồng các đối tượng thủy sản đồng quê (trạch đồng, cua đồng, cá rô đồng) nhằm khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, tận dụng tối đa diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nông dân xã Khánh Hồng (Yên Khánh) chăm sóc ớt phục vụ xuất khẩu |
Mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập
Với vai trò là cầu nối trong mối liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường, năm 2018, cùng với việc triển khai mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản, Trung tâm đã tư vấn nhóm hộ sản xuất chăn nuôi tại xã Gia Tường (huyện Nho Quan) thành lập HTX Dịch vụ - thương mại TNiBi, với 15 thành viên tham gia.
Ông Đặng Khánh Duy - Giám đốc HTX TNiBi, cho biết: Hiện nay, với sự tư vấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khi tham gia mô hình khuyến nông kết hợp thành lập HTX ngành hàng, các hộ sản xuất có chung tiếng nói, cùng liên kết để tiêu thụ sản phẩm thỏ thương phẩm với công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản, đồng nhất giá bán giữa các thành viên trong HTX, không cạnh tranh, không bị ép giá.
Với giá bán 170.000 đồng/con thỏ 2,2 - 2,3 kg, một hộ nuôi 50 thỏ cái sinh sản cho lợi nhuận ổn định 10 - 12 triệu đồng/ tháng, là tiền đề để các thành viên mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.
Nguyễn Dịu