Tại Hội nghị về phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong điều kiện thị trường mất cân xứng "triệu người bán, vạn người mua", nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt. Do vậy, việc thành lập HTX là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Nông dân, DN "chơi vơi"
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua phân loại HTX nông nghiệp năm 2017 cho thấy, số HTX hoạt động tốt chiếm 12% (1.115 HTX), 34,3% hoạt động khá (3.178 HTX), 41,3% ở mức trung bình (3.830 HTX) và còn 12,4% HTX xếp loại yếu (1.143 HTX).
Khẳng định việc phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn hoặc là cơ chế đặc thù trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nguồn lực xây dựng và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả.
Trong đó, hỗ trợ ngân sách từ Trung ương để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí sản xuất cho các HTX, mở rộng nội dung và tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho các HTX trong giai đoạn mới thành lập… Tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương hàng năm hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế hợp tác để thực hiện hỗ trợ thành lập mới các HTX và đào tạo cán bộ quản lý.
Đặc biệt, ông Phạm S mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trên thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp rất lớn nhưng chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, còn lệ thuộc nhiều vào thị trường và tiêu thụ vẫn bấp bênh. Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, một trong những nguyên nhân là do khâu liên kết sản xuất rời rạc, thiếu nhân tố HTX, dẫn đến "nông dân chơi vơi, DN cũng chơi vơi".
"Hai năm qua có bước phát triển vượt bậc về số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 3.600 lên gần 8.000 DN, nhưng số này không thể "với" tới 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, cần có sự liên kết trong phát triển nguyên liệu, tổ chức chế biến, phát triển thị trường thông qua HTX, DN là hạt nhân", ông Cường nhấn mạnh.
Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, phần lớn HTX vẫn chưa liên kết được với các DN do tính liên kết trong nông dân chưa cao, việc ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng giữa HTX và DN gặp nhiều khó khăn, nên đa số sản phẩm của thành viên phải tiêu thụ qua thương lái, giá cả bấp bênh, không ổn định và lợi nhuận không cao.
Thiếu nhân tố HTX, cả nông dân và DN đều "chơi vơi" |
Gắn với chuỗi giá trị
Nhấn mạnh vai trò của mối liên kết giữa HTX và DN, ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc công ty Lương thực miền Nam, cho biết DN này đang gặp phải tình cảnh trớ trêu như khi giá lúa thị trường tăng, nông dân bán cho thương lái nước ngoài; giá lúa xuống thì nông dân yêu cầu DN mua theo hợp đồng. Trong khi đó, DN không đủ nguồn lực mua lúa tươi ở ngoài đồng của nông dân. Vì vậy, liên kết với HTX là chủ trương đúng đắn và kịp thời.
Ông Trượng mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tham gia liên kết với HTX. Đồng thời, HTX chủ động nâng cao năng lực, sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh, chủ động vươn lên, trước hết thực hiện việc tổ chức mua và vận chuyển lúa về kho cho DN.
Để hiện thực hóa mục tiêu có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế hợp tác, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2013-2017, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động.
Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam tham mưu, đề xuất với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền địa phương về cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.
Đồng thời, phối hợp với Bộ NN&PTNT đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển kinh tế hợp tác, HTX, phát hiện, tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành, hướng dẫn tháo gỡ, đề xuất xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động kéo dài.
Bên cạnh tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX và hội chợ… để tăng cường đối thoại chính sách giữa các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương; Liên minh HTX Việt Nam tổ chức ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa các mô hình HTX với đối tác trong và ngoài nước như Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, CTCP Đầu tư và phát triển Sunny World, Tập đoàn TH True milk… tạo điều kiện cho nhóm các HTX tiếp tục kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại.
"Thực tiễn cho thấy các HTX muốn phát triển bền vững thì phải gắn với chuỗi giá trị, nếu không có chuỗi rất khó tồn tại, làm ăn có lãi, cạnh tranh và nâng cao năng lực quản trị", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam ưu tiên tập trung phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị đầu vào cũng như đầu ra. Tuy nhiên, các bộ ngành địa phương cần bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn lực khác để hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động hiệu quả như chương trình tín dụng, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại… Thực tiễn cho thấy các HTX rất cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước bằng nguồn lực thực tế.
Khẳng định khuôn khổ pháp lý để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được hoàn thiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng câu chuyện sắp tới là tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Các địa phương cần hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai cho HTX.
Đồng thời, ngoài vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN&PTNT, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các HTX, tạo điều kiện để các HTX có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Nhật Linh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường 15.000 HTX phải trở thành hạt nhân để liên kết với DN, tạo thành chuỗi khép kín từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại, hoàn chỉnh chu trình sản xuất khép kín trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ Sứ mệnh của HTX trong nông nghiệp là gia tăng giá trị của hộ, thu nhập của hộ nông dân và làm tổng GDP, tổng xuất khẩu trong nông nghiệp tăng lên. HTX là đầu mối đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát triển bền vững. Do vậy, cần tăng cường liên kết giữa DN, HTX và người nông dân. Dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cần bám sát chương trình mỗi làng một sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 276/ TB-VPCP ngày 3/8/2018 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Liên minh HTX Việt Nam, nhiều đề xuất kiến nghị mà Liên minh HTX Việt Nam đưa ra đã được Thủ tướng chấp thuận. Vì vậy, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị các bộ, ngành và địa phương nhanh chóng triển khai các kết luận của Thủ tướng nhằm tạo cơ chế hỗ trợ đồng bộ cho HTX phát triển. |