HTX được thành lập cuối năm 2017 với các thành viên đều là những phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Đặc biệt trong đó có 2 chị là nạn nhân của nạn mua bán người, 2 chị là người khuyết tật, 11 chị là nạn nhân của bạo lực gia đình, 5 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Văn hóa vải lanh đặc sắc
Dù mỗi người có hoàn cảnh riêng nhưng đều giống nhau ở sự quyết tâm khởi nghiệp với HTX, bảo tồn nghề truyền thống của người H’Mông.
Hiện tại, các thành viên HTX đang theo đuổi “Đề án phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên”. Đây là một trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ vốn ở mức cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển.
Chị Sùng Thị Sy - Giám đốc HTX, cho biết nhiều thế hệ người H’Mông đã cùng nhau sáng tạo nên một nền văn hóa đặc sắc về vải lanh. Con gái H’Mông hầu như ai cũng biết trồng lanh dệt vải.
Từ những vỏ cây lanh thô ráp, qua bàn tay khéo léo cùng sự kiên trì, tỷ mẩn được tính bằng năm, người phụ nữ H’Mông đã dệt nên những tấm vải lanh bền đẹp, đầy màu sắc, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Đây chính là những nét riêng, độc đáo tạo nên văn hóa trong phục của người H’Mông. Không chỉ tạo ra váy, áo mà những miếng thổ cẩm làm từ vải lanh được người thợ khéo léo tạo nên những chiếc túi, chiếc ví, khăn quàng, khăn trải bàn… được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy nhiên, theo thời gian, nghề truyền thống trồng lanh dệt vải nơi đây đang đối mặt với nguy cơ mai một. Vải lanh chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ của người H’Mông, chứ không dùng để may quần áo mặc thường ngày.
Ngay trong chính những gia đình người H’Mông, người biết dệt vải lanh truyền thống ngày một thưa thớt dần. Những sản phẩm làm ra cũng khá “kén” khách.
Xuất phát từ tình yêu với vải lanh cộng thêm thực tế sinh sống có tới gần 90% phụ nữ không có việc làm ổn định, 30% phụ nữ di cư bất hợp pháp, vậy nên những phụ nữ người H’Mông này đã liên kết cùng nhau thành lập HTX.
HTX ra đời đã tạo sinh kế ổn định cho chị em và bảo tồn nghề truyền thống gắn với mục tiêu chính là trồng lanh, phát triển các sản phẩm lanh trắng tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Con gái H’Mông hầu như ai cũng biết trồng lanh dệt vải |
Mang lại thu nhập mơ ước
Để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm chất lượng, sản phẩm của HTX đều phải qua trên 40 công đoạn. Màu sắc của vải hoàn toàn không dùng hóa chất mà các thành viên tỷ mỷ dùng các loại lá cây, củ quả trên rừng, cây chàm, sáp ong nên màu sắc rất đẹp, độ bền màu cao lên đến 10 năm, không gây dị ứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dùng.
Bên cạnh những sản phẩm dệt từ vải lanh truyền thống, HTX đã dệt thẳng hoa văn chìm vào trong vải, có loại vải pha thêm tơ khiến tấm vải mềm, mịn phù hợp làm rèm cửa, ga gối.
Từ khi trở thành thành viên của HTX, chị em đã thay đổi cách thức dệt vải. Nếu như trước đây, chị em dệt theo thói quen, kinh nghiệm, mỗi nhà mỗi kiểu thì giờ đây, sau khi tập huấn, chị em đã có sự trao đổi, thống nhất, đã biết cách làm thế nào để tấm thổ cẩm làm ra ưng ý nhất, mang bản sắc của HTX.
Những sản phẩm thổ cẩm của HTX không chỉ xuất hiện ở địa bàn huyện Đồng Văn, được trưng bày ở Hà Nội mà đã theo rất nhiều du khách đi khắp thế giới. Sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong HTX từ đó cũng ổn định, từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
“Đây là mức thu nhập mơ ước, mang lại cuộc sống ổn định, cải thiện cuộc sống cho nhiều phụ nữ dân tộc ở tỉnh miền núi như Hà Giang”, chị Sùng Thị Sy nhận định.
Hoàng Lê