Dạo một vòng quanh vườn bưởi sai trĩu quả của gia đình ông Lê Thế Luân, thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, khách tham quan có thể đắm chìm trong một bức tranh tuyệt đẹp bởi hàng ngàn trái bưởi vàng óng, lấp ló dưới những tán lá xanh.
Trái ngọt từ cây ăn quả
Ông Luân phấn khởi cho biết, gia đình ông hiện có khoảng 400 gốc bưởi đang trong thời kỳ cho thu quả. Hầu như năm nào vườn của ông cũng có thương lái đặt cọc mua cả vườn. Sau mỗi vụ, ông “bỏ túi” 200 - 300 triệu đồng (đã trừ chi phí). Sắp tới, ông sẽ đầu tư chăm sóc nhiều hơn để nâng cao thêm thu nhập.
Không chỉ riêng gia đình ông Luân, những năm qua, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng đã và đang đón nhận niềm vui bội thu từ bưởi.
Bưởi đang là cây trồng kinh tế chủ lực, mang lại thu nhập cao cho nông dân Hữu Lũng (Ảnh: BLS). |
Theo tìm hiểu được biết, cây bưởi được người dân Hữu Lũng trồng từ những năm 2000. Nhận thấy hiệu quả, năm 2006, nhân dân một vài xã trong huyện bắt đầu chuyển đổi từ đất trồng màu, đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi.
Tuy nhiên, phải đến năm 2012 thì phong trào trồng bưởi mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Từ vài chục héc-ta ban đầu, đến nay, tổng diện tích cây bưởi (chủ yếu là bưởi Diễn) trên toàn huyện đã lên tới 385 ha (lớn nhất trong toàn tỉnh). Trong đó, có khoảng 160 ha đang cho thu hoạch. Hiện, bưởi được trồng tập trung nhiều ở các xã Nhật Tiến, Đồng Tiến, Cai Kinh, Vân Nham, Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn…
Cùng với cây bưởi, các loại cây ăn quả khác cũng đang phát triển mạnh ở huyện, được trồng theo vùng như vùng trồng na tại các xã: Cai Kinh, Hòa Lạc, Yên Sơn, Yên Vượng; các loại cây có múi (cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn) tại các xã: Nhật Tiến, Cai Kinh, Minh Sơn, Đồng Tân, Hòa Lạc; táo đại tại các xã: Hồ Sơn, Cai Kinh, Nhật Tiến…
Để phát triển vùng cây ăn quả tập trung, những năm qua, song song với việc khuyến khích nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn, huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng quả thông qua việc vận động nhân dân áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng cây theo quy trình VietGAP và đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh.
Những năm qua, huyện cũng triển khai và sản xuất hàng trăm ha táo đại áp dụng quy trình VietGAP tại các xã: Hồ Sơn, Cai Kinh, Nhật Tiến. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, vận động người dân cải tạo đất, phát triển cây ăn quả.
Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Đến nay, huyện Hữu Lũng đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa tập trung lớn như: na (1.691 ha), bưởi (470 ha), nhãn (398 ha), cam (113 ha), rau các loại (810 ha)…
Với nhiều sản phẩm nông sản và diện tích trồng lớn, công tác thúc đẩy tiêu thụ trở thành một trong những nhiệm vụ được chính quyền huyện chú trọng thực hiện.
Theo đó, để hỗ trợ quảng bá, đưa các sản phẩm nông sản, những năm qua, huyện đã quan tâm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ. Cụ thể, chỉ tính từ 2022 đến nay, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm trưng bày, quảng bá tại 8 hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Hữu Lũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho nông sản (Ảnh: BLS). |
Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu nông sản tại các hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh. Qua các sự kiện, đã có nhiều sản phẩm của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được quảng bá, được người tiêu dùng biết đến, có thị trường tiêu thụ mới.
Đơn cử như sản phẩm rau hữu cơ của HTX Nông sản Hữu Lũng. Chị Lê Thị Minh Trà, Giám đốc HTX, cho biết HTX được thành lập từ cuối năm 2020 với 8 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất rau theo hướng hữu cơ.
Trong quá trình hoạt động, HTX đã được các phòng chức năng của huyện tạo điều kiện, hỗ trợ đưa sản phẩm đi tham gia trưng bày, quảng bá tại nhiều hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Qua công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ, hiện nay, rau hữu cơ của HTX đã bày bán tại các siêu thị lớn như Big C, Winmart… Doanh thu hàng năm của HTX hiện đạt trên 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiệu quả của các HTX cũng đang góp phần thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi huyện Hữu Lũng phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hình thành liên kết chặt chẽ, đảm bảo an toàn sinh thái. Điển hình như HTX thủy sản sản Cấm Sơn đang thu hút hàng chục thành viên.
Trung bình mỗi năm, sản lượng thủy sản khai thác của HTX đạt từ 10 - 20 tấn, doanh thu đạt từ 2 - 3 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5 - 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Chìa khóa cho những thành công của HTX Cấm Sơn là giữ môi trường nước luôn sạch. Theo đó, trong quá trình nuôi trồng, HTX tính toán kỹ lưỡng lượng thức ăn chăn nuôi để tránh dư thừa, lãng phí. Hệ thống lồng nuôi được vệ sinh định kỳ, các chất thải cũng thường xuyên được xử lý vi sinh, qua đó tránh làm bẩn nguồn nước.
Chú trọng liên kết, hình thành chuỗi giá trị
Được biết, phát triển kinh tế hợp tác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn huyện Hữu Lũng. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn việc thành lập, tổ chức hoạt động của các HTX.
Trong 5 năm qua, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã liên kết sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ măng Bát độ của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng; mô hình trồng cây có múi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của các HTX xã Tân Thành, Cai Kinh…
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện dành trên 40% kinh phí sự nghiệp nông nghiệp để thúc đẩy các mô hình liên kết, tổ chức 3 hoặc 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất cho khoảng 200 thành viên HTX.
Những thay đổi trong phương thức sản xuất, chú trọng kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản đang giúp các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện Hữu Lũng luôn được tiêu thụ ổn định. Nhiều vùng trồng nông sản của huyện mang lại giá trị kinh tế cao như: vùng trồng na trên 120 tỷ đồng; vùng trồng bưởi trên 36 tỷ đồng…
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn 2.265 hộ, tỷ lệ 7,3%; 1.644 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,3%. Mục tiêu đến cuối năm 2023, huyện còn 1.333 hộ nghèo, tỷ lệ 4,29%.
Mỹ Chí