Nhờ chú trọng vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, toàn xã Hải Yến đã xây dựng thành công vùng sản xuất trên 100 ha cây ăn quả (mận, hồng không hạt Bảo Lâm), hơn 120 ha hồi…
Nhiều cây trồng thế mạnh
Ông Lương Văn Hiếu, thôn Tồng Liền, trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được hơn 13 năm. Từ vài chục cây hồng ban đầu, đến nay, gia đình ông có trên 500 cây hồng, trong đó trên 250 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu hơn 3 tấn quả, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng.
Cùng với cây hồng, gia đình ông Hiếu trồng thêm hơn 500 cây mận, cho thu hơn 4 tấn quả mỗi năm và 2 ha hồi, 5 ha thông cũng đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, gia đình thu lời trên 250 triệu đồng.
Hồng không hạt là nông sản thế mạnh, cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân Cao Lộc (Ảnh: BLS). |
Không chỉ có xã Hải Yến, để nâng cao thu nhập cho nông dân, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Cao Lộc đã và đang tập trung thay đổi nhận thức, chuyển đổi sản xuất từ nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực.
Đơn cử như ở xã Gia Cát hiện đang có tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.
Trong dòng chảy phát triển chung, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát nổi nên như một điểm sáng trong phát triển sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả vượt trội trên địa bàn xã.
Giám đốc Hoàng Văn Thuận cho hay, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…
Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Điểm nổi bật của công nghệ tưới tiết kiệm chính là tiết kiệm nước 30 - 40% so với hình thức tưới thông thường.
Mở hướng xóa đói, giảm nghèo
Cùng với HTX Gia Cát, hầu hết các hộ trồng rau trên địa bàn xã Gia Cát đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, tưới tiết kiệm. Sản xuất sạch, chú trọng khoa học kỹ thuật giúp năng suất rau tại địa phương tăng trên 30% so với canh tác truyền thống.
Nhờ năng suất, chất lượng ngày càng được nâng lên, rau củ quả ở Gia Cát đang gây ấn tượng mạnh với các đối tác tiêu thụ, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng, siêu thị thực phẩm uy tín. Thương hiệu “Rau sạch Cao Lộc” đang có mặt ở nhiều tỉnh, thành như Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội…
Đáng chú ý, cây sở cũng đang là một trong những nông sản thế mạnh ở Cao Lộc. Hiện, trên địa bàn huyện có gần 1.500 ha trồng sở, trong đó diện tích cho thu hoạch quả gần 900 ha.
Từ sự quan tâm của các cấp chính quyền huyện, sự vào cuộc của các HTX, doanh nghiệp việc tiêu thụ sản phẩm sở của người dân đã từng bước ổn định. Bình quân 2 năm gần đây (2021 - 2022), sản lượng hạt sở của huyện đạt 1.600 tấn/năm, doanh thu khoảng 33 tỷ đồng.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả là "chìa khóa" giảm nghèo của huyện Cao Lộc (Ảnh: BLS). |
Theo ghi nhận, đến nay trên địa bàn huyện Cao Lộc đã hình thành được hàng loạt vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng sản xuất hồi hơn 4.700 ha, sản lượng đạt trên 4.400 tấn, giá trị đem lại trên 88 tỷ đồng/năm, tập trung ở các xã Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn…; vùng trồng sở trên 1.170 ha, sản lượng trên 1.820 tấn hạt khô, giá trị đem lại trên 36 tỷ đồng/năm, tập trung tại các xã Yên Trạch, Xuất Lễ, Tân Thành…; vùng trồng hồng không hạt Bảo Lâm trên 410 ha, sản lượng trên 1.200 tấn, giá trị đem lại đạt trên 33 tỷ đồng/năm, tập trung ở xã Hòa Cư, Hải Yến; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tân Liên, Gia Cát, diện tích trên 270 ha, sản lượng trên 3.240 tấn, giá trị đem lại đạt trên 27 tỷ đồng/năm…
Để có được những thành công hiện tại, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hỗ trợ các xã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Như đối với cây hồng không hạt Bảo Lâm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã chú trọng hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP được 30 ha.
Đối với rau màu, hiện nay, các xã Gia Cát và Tân Liên đang thực hiện mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Phát triển kinh tế bền vững
Hiệu quả của các cây trồng thế mạnh đang giúp huyện Cao Lộc đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Dù vẫn còn không ít khó khăn do đặc thù của vùng biên giới, đời sống của người dân các địa phương ngày càng được cải thiện.
Đến hết năm 2022, toàn huyện còn hơn 1.640 hộ nghèo, chiếm 8,29%; 2.023 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,2%. 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ về giáo dục. Huyện cũng triển khai 4 mô hình giảm nghèo tại 2 xã Thạch Đạn, Lộc Yên cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo….
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Để triển khai công tác giảm nghèo bền vững; chính quyền và các ngành đều đã lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho lãnh đạo UBND, cán bộ, công chức các xã, thị trấn và các trưởng thôn bản, khu, khối phố.
Bên cạnh đó, địa phương cũng thực hiện rà soát, hỗ trợ người dân về nhà ở, nước sinh hoạt. Triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bền vững.
Thời gian tới, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, huyện sẽ tăng cường công việc khắc phục những khó khăn, tồn tại; đồng thời tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo để họ tự vươn lên xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững...
Nhật Minh