HTX Xuân Đám được thành lập với mục tiêu hình thành liên kết giữa người sản xuất, HTX, thị trường tiêu thụ và sự quản lý của Nhà nước để phát huy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng.
Chuyển biến nhờ HTX
Mô hình sản xuất rau VietGAP xóm Xuân Đám được triển khai với kỳ vọng tạo giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong thời gian đầu thực hiện, mô hình chưa đạt hiệu quả.
HTX Xuân Đám đang đóng vai trò liên kết sản xuất tại vùng rau VietGAP xã Xuân Đám (Ảnh TL) |
Mọi chuyện dần chuyển biến tích cực khi HTX rau - củ - quả Xuân Đám (đơn vị trực tiếp được giao triển khai mô hình) phối hợp với Công ty TNHH nông sản Minh Vân khôi phục, đưa giống cây trồng phù hợp vào sản xuất.
Đại diện HTX Xuân Đám cho biết, khoảng cuối năm 2018, khi phía doanh nghiệp đề nghị liên kết để phát triển vùng rau xã Xuân Đám theo hướng hiện đại, thành viên HTX đã nhiệt tình hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ.
Sau khi hợp đồng được ký kết, HTX cùng doanh nghiệp từng bước cải tạo lại mô hình phù hợp để gieo trồng các loại rau xanh chất lượng.
Sau hơn một năm ký kết tham gia tư vấn kỹ thuật, cùng các thành viên đầu tư trồng rau sạch, đến nay mô hình sản xuất rau an toàn từng bước mang lại nguồn thu nhập cho công ty và thành viên HTX.
Hiện, mỗi tháng doanh thu từ mô hình đạt khoảng 100 triệu đồng. Để có được sản phẩm rau an toàn đạt chất lượng, HTX áp dụng phương thức chăm sóc theo quy trình hữu cơ.
Theo đó, các thành viên HTX tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau. Tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới, kết thúc bón phân trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày.
Khi sản xuất, thành viên HTX được hướng dẫn áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng nhân lực bắt giết sâu, sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý.
Trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, HTX không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau, chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên nhiên, con người; ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc); tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch.
Thành công nhờ thay đổi kịp thời
Để có được thành quả hiện tại, các công việc đã được ngành nông nghiệp TP Thái Nguyên triển khai từ cách đây gần 5 năm. Năm 2016, Dự án xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn với tổng vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng được thực hiện tại xóm Xuân Đám, với quy mô 10.000m2.
Những mô hình như HTX Xuân Đám cần được tiếp tục mở rộng (Ảnh TL) |
Dự án bao gồm các hạng mục hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống bơm nước, cấp điện, bể chứa nước, nhà sơ chế… được hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc HTX rau - củ - quả Xuân Đám, thừa nhận ban đầu, do xây dựng các hạng mục chưa hợp lý, thêm vào đó HTX chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình nên đã bị thất bại.
Sau khi HTX đề nghị chính quyền xã và đơn vị thiết kế dự án điều chỉnh, sửa chữa lại một số hạng mục bị hư hỏng và phối hợp với Công ty TNHH nông sản Minh Vân đưa các giống rau chất lượng vào sản xuất, mô hình sản xuất rau từng bước mang lại hiệu quả kinh tế.
Hiện, HTX Xuân Đám có 31 thành viên. Các thành viên HTX đều là những nông dân có đất để thực hiện mô hình trồng rau VietGAP.
Sau khi vào HTX, các thành viên được hưởng lợi từ tiền thuê đất, lao động được hưởng công 180 – 200 nghìn đồng/ngày.
Sau những thành quả đã đạt được, thời gian tới, HTX Xuân Đám dự kiến tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo lợi ích bền vững cho thành viên, người lao động.
Nhật Minh