Khảo sát cho thấy, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại huyện Cẩm Mỹ hiện khá đa dạng từ chăn nuôi đến trồng trọt, trong đó có những chuỗi liên kết với sự tham gia của HTX đã xuất khẩu thành công nông sản sang các thị trường “khó tính”.
Đa dạng hình thức
Sau hơn 10 năm phát triển, HTX Hồ tiêu Lâm San, xã Lâm San đang là đơn vị điển hình phát triển tiêu hữu cơ tại địa phương và trở thành đơn vị kinh tế hợp tác đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu thành công hạt tiêu vào các nước châu Âu.
Các mô hình nông nghiệp theo chuỗi ở Cẩm Mỹ ngày càng lớn mạnh (Ảnh TL) |
Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX, cho hay chất lượng chính là “chìa khóa” để HTX Lâm San "mở cửa" các thị trường "khó tính".
Khi tham gia vào HTX, các hộ thành viên sẽ được trang bị kiến thức nông học (đất, nước, cây trồng), kỹ thuật canh tác mới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón khoa học… để tạo ra sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng chuẩn quốc tế.
Thay vì lạm dụng chất hóa học gây hại môi trường, giảm chất lượng sản phẩm, thành viên HTX được hướng dẫn phương thức phòng ngừa sâu bệnh bằng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Các loại phân hóa học được chuyển thành phân vi sinh, hữu cơ.
Đơn cử, để thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, HTX đã cử cán bộ đến từng nhà để tuyên truyền, phát các loại tài liệu về quy trình sản xuất hữu cơ, phân tích tác hại của thuốc hóa học đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái.
Kể từ năm 2010, mô hình trồng bắp lấy thân non phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi được khuyến khích phát triển trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các hộ nông dân bởi hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái.
Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, cây bắp non đang được sơ chế, chế biến để hướng tới thị trường xuất khẩu.
HTX Đông Tây, xã Xuân Tây đang là một trong các đơn vị đi đầu trong chế biến và tiêu thụ cây bắp non trên địa bàn huyện. Những năm qua, HTX đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, hiện đại hóa trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Liên kết bền vững
Ông Bùi Trung Vinh Phước - Giám đốc HTX Đông Tây, cho biết HTX đang liên kết tiêu thụ cây bắp cho trên 300 hộ nông dân với diện tích khoảng 270 ha.
Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế, các mô hình còn mang tới giá trị về môi trường (Ảnh TL) |
Sản phẩm của HTX hiện đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc. Để xuất khẩu, sản phẩm phải vượt qua các kỳ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Nhằm đáp ứng yêu cầu, vùng nguyên liệu của HTX được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, nói không với hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng.
Điển hình, trong việc trừ cỏ, thành viên HTX dùng phương pháp thủ công như dùng máy cắt, hoặc sử dụng các loại thuốc vi sinh thân thiện môi trường, không gây độc hại.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6/2020, huyện Cẩm Mỹ có 25 HTX, 173 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp…
Ngoài 4 dự án liên kết lớn trên cây cà phê, cây tiêu, sầu riêng và cây bắp, nhiều chuỗi liên kết mới đang hình thành và không ngừng phát triển như: chuỗi trồng và cung ứng sản phẩm dâu - tằm - tơ, chuỗi cung ứng rau sạch cho các HTX, chuỗi trồng lúa sạch…
Thông qua xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, các mô hình chuỗi góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận nông dân, từng bước đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1ha diện tích trồng trọt của huyện đạt 170 triệu đồng/năm.
Trong quy hoạch phát triển 5 năm tới, Cẩm Mỹ xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành các vùng trọng điểm cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lớn theo hướng chuyên canh, chuyên môn hóa cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hưng Nguyên