Một đặc điểm nổi bật ở Bình Phước thời gian gần đây là người dân đã có ý thức trong sản xuất. Không ít người đã chú trọng liên kết, ứng dụng sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao giá trị kinh tế.
Nâng giá trị kinh tế từ cây điều
Tại xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng), 100 hộ dân (90% là đồng bào dân tộc thiểu số) đã liên kết, tham gia HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch. HTX đang tập trung sản xuất điều hữu cơ trên diện tích 3.000 ha, trong đó có 1.000 ha đã được các thành viên canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.
Qua thời gian hoạt động, HTX không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên mà còn không ngừng tìm kiếm các đối tác liên kết bền vững, từ đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho bà con.
Bà Thị Khưi, Giám đốc HTX Trảng cỏ Bù Lạch, cho biết HTX không chỉ liên kết với HTX Bom Bo Bình Phước để hỗ trợ thành viên kỹ thuật sản xuất mà còn liên kết với 3 doanh nghiệp khác để bao tiêu đầu ra, đồng hành cùng người dân trong quá trình làm ra sản phẩm hạt điều.
Trên địa bàn xã Đồng Nai còn có HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai đang thu hút 40 thành viên sản xuất điều trên tổng diện tích 800ha. Điều thuận lợi là HTX được các doanh nghiệp lớn ở Long An và TP.HCM ký hợp đồng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm không bị ép giá.
Hiện, điều được xác định là một trong những cây kinh tế chủ lực của tỉnh nên không chỉ ở xã Đồng Nai (đang có 3.000ha điều) mà nhiều huyện khác trong tỉnh hiện nay đều có HTX trồng điều theo hướng hữu cơ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, hỗ trợ đắc lực trong công tác giảm nghèo.
Điều được đầu tư theo hướng hữu cơ đang cho giá trị kinh tế cao tại Bình Phước. |
Tiêu biểu như tại huyện Đồng Phú hiện đã có 5 HTX trồng điều với diện tích liên kết tiêu thụ khoảng 1.800ha. Huyện Phú Riềng có 9 HTX trồng điều với diện tích liên kết 1.500 ha. Huyện Bù Gia Mập có 5 HTX sản xuất điều tham gia liên kết diện tích 2.500 ha. Huyện Bù Đăng có 4 HTX tham gia chuỗi điều liên kết diện tích 1.140 ha…
Chính nhờ những mô hình liên kết trồng điều này mà trung bình mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu điều của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, HTX, từ đó giúp nhiều hộ dân giảm nghèo hiệu quả.
Anh Điểu Nu, thành viên liên kết với HTX Đồng Nai, cho biết giá điều sạch của HTX Đồng Nai luôn cao hơn giá thị trường từ 400-500 đồng/kg. Đặc biệt, trồng điều hữu cơ với giống tốt, năng suất có thể đạt từ 2-3 tấn/ha, là mức năng suất mà người dân có thể "sống được" với cây điều.
Dấu ấn từ cây ăn quả
Ngoài phát triển điều, những năm gần đây, Bình Phước còn phát triển mạnh các loại cây ăn trái. Nhiều loại cây ăn trái của tỉnh cũng đã tạo được thương hiệu trên thị trường, giúp người trồng có nguồn thu khá cao.
Tiêu biểu như 22 ha vùng nguyên liệu trồng sầu riêng của HTX cây ăn trái Minh Lập (xã Minh Lập) đang cho thu hoạch đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với mức giá bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay, thành viên HTX có thể thu về cả tỷ đồng/ha.
Hay mô hình liên kết trồng sầu riêng giữa Tổ hợp tác trồng sầu riêng sạch Minh Tâm (huyện Hớn Quản) với doanh nghiệp bao tiêu và doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào đang giúp người trồng sầu riêng yên tâm và tập trung canh tác, thu nhập cũng cao hơn rất nhiều so với cây truyền thống.
Theo các thành viên, trung bình sầu riêng có giá dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng Tổ hợp tác vẫn bán được với giá bình quân 45.000/kg. Trong đó, 70% sầu riêng loại 1 được bán với giá 48.000 đồng/kg.
Không chỉ dừng ở trồng sầu riêng, điều kiện tự nhiên của tỉnh Bình Phước còn rất thuận lợi cho phát triển một số loại cây ăn quả như bơ, bưởi sa xanh, roi, măng cụt và đều cho giá trị kinh tế cao.
Tiêu biểu như HTX bưởi da xanh Hồng Nịp (xã Long Bình, huyện Phú Riềng) đang triển khai quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và dán nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm hướng đến những thị trường khó tính. Ông Lầu Sy Nịp, Chủ tịch HĐQT kiêmGiám đốc HTX cho biết 15 ha bưởi da xanh của gia đình ông đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 30 tấn/ha. Với giá 25.000 đồng/kg tại vườn như hiện nay, gia đình ông thu về chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 13.220 ha cây ăn trái với nhiều chủng loại khác nhau. Diện tích không ngừng tăng lên, nhiều thương hiệu trái cây nổi tiếng của tỉnh được hình thành đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, không chỉ giúp người nông dân thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Giảm 1.000 hộ nghèo/năm
Các mô hình kinh tế với thế mạnh chủ lực đang giúp tỉnh Bình Phước hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo, trong đó có 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, để người dân làm kinh tế, liên kết sản xuất hiệu quả, tỉnh đã khảo sát, thống kê, đánh giá chính xác hộ nghèo, cận nghèo của các xã, huyện để có những hỗ trợ hộ nghèo cụ thể về bảo đảm vốn vay ưu đãi cho 100% hộ nghèo, cận nghèo để họ có thể phát triển sản xuất.
Nhiều mô hình sản xuất của người dân, HTX mang lại tín hiệu tích cực đã được nhân rộng như các HTX trồng điều, HTX trồng tiêu, HTX chăn nuôi, HTX trái cây sản xuất hữu cơ...
Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết với đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật cho nông dân, thành viên HTX, đồng thời phân công cán bộ hỗ trợ người dân, HTX sản xuất cụ thể gắn với xây dựng những mô hình điểm, từ đó thay đổi tư duy sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có không ít nông dân, thành viên HTX chủ động sản xuất, thoát nghèo trên mảnh đất của mình.
Thống kê đến năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 - 2025, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước còn 2.820 hộ chiếm 57,91% tổng số hộ nghèo của cả tỉnh (cả tỉnh là 4.870 hộ nghèo). Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40 triệu đồng/năm.
Năm 2023, tỉnh cũng tự tin hoàn thành mục tiêu giảm được 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số theo kế hoạch khi đã nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả với đàn trâu, bò hơn 51.500 con, 15.100ha hồ tiêu, 12.830ha cây ăn trái... Các mô hình sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ cho người dân.
Tùng Lâm