Giá trị gia tăng
Năm 2013, anh Phan Hữu Thắng (Tp.Đà Lạt) quyết tâm từ bỏ từ bỏ tư duy “ăn xổi, ở thì” để chuyển sang trồng rau siêu sạch. Trên diện tích hơn 1.000m2 nhà lưới trồng rau sạch, những năm qua, anh thu về trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Anh Thắng chia sẻ: “Canh tác rau trong nhà lưới đem lại hiệu quả rất cao, thời gian sinh trưởng chỉ mất từ 20 – 25 ngày (so với 30 – 35 ngày theo phương thức thủ công). Bình quân mỗi năm, tôi thu hoạch 10 – 12 lứa rau an toàn, mỗi lứa đạt 5 – 6 tạ. Thị trường luôn ổn định, giá bán cao hơn thị trường 25 – 30%”.
Hệ thống nhà lưới, tưới tự động giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, giảm bay hơi nước, duy trì độ ẩm, hạn chế rửa trôi, xói mòn, hạn chế sâu bệnh… Qua đó, giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng rau màu, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, góp phần không nhỏ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với phương thức sản xuất sạch, khu vườn của anh Thắng không xuất hiện mùi hôi của phân bón, mùi hắc của thuốc bảo vệ thực vật, tạo cơ sở để anh mở cửa đón khách tham quan.
Năm 2018, nhờ thực hành sản xuất sạch, làm vì chất lượng nên sau khi thăm vườn, giám đốc một hợp tác xã đã đặt vấn đề liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa của gia đình anh Thắng để cung cấp cho đơn vị thứ 3.
Tương tự, anh Nguyễn Viết Thuyết cũng áp dụng quy trình sản xuất sạch trên diện tích gần 4ha cà chua, rau cải, dưa leo Nhật… mang lại hiệu quả vượt trội.
“Hiện tại, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm tôi thu lãi 250 – 300 triệu đồng. Canh tác theo phương thức mới vừa đem lại hiệu quả cao khi sản phẩm được đảm bảo, vừa tiết kiệm sức lao động và loại bỏ tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất gây hại cho môi trường”, anh Thuyết phấn khởi nói.
Môi trường đảm bảo
Ông Nguyễn Phúc Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, đánh giá: “Mô hình sản xuất rau siêu sạch kết hợp với du lịch sinh thái đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho người nông dân Đà Lạt. Theo dự báo, mô hình này sẽ còn được nhân rộng trong thời gian tới”.
Để đảm bảo hiệu quả bền vững của ngành nông nghiệp, những năm qua, công tác quản lý đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tại Đà Lạt có nhiều tiến bộ. Các nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê cơ bản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Các yếu tố như ô nhiễm hóa chất, vi sinh vật trong rau, thịt, thủy sản có chiều hướng giảm. Việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, diện tích sản xuất VietGAP, 4c, UTZ, HACCP… có tiến bộ khi người dân quan tâm, tham gia tích cực.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, năm 2019, Chi cục đã thực hiện 18 đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông – lâm – thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trên 53 mẫu và có kết quả an toàn 100%.
Thời gian tới, Lâm Đồng dự kiến tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất và người dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm…
Hưng Nguyên