Các làng nghề tại Thái Bình đang được quan tâm về ATLĐ để nâng cao hiệu quả |
Đòi hỏi cấp thiết
Mộc mỹ nghệ là nghề truyền thống lâu đời tại làng Vế (xã Canh Tân, huyện Hưng Hà), hiện đang tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trong và ngoài địa phương. Nghề mộc cũng đang thu hút hơn 600 hộ gia đình (chiếm gần 80% số hộ) của làng tham gia.
Số liệu thống kê cho thấy doanh thu hàng năm của làng Vế đạt bình quân 110 tỷ đồng. Thương hiệu đồ gỗ làng Vế đang có chỗ đứng vững chắc và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thành công tại làng Vế đến từ sự linh hoạt của các hộ làm nghề trong việc thích ứng với những thay đổi của thị trường, đặc biệt là sự chủ động trong ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Cơ giới hóa đem lại lợi ích nhưng cũng kéo theo nhiều mặt trái tại các làng nghề, một trong số đó là nguy cơ mất ATLĐ. Do đó, việc siết chặt các quy định về ATLĐ, hỗ trợ các làng nghề nâng cao kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn cho người sản xuất là đòi hỏi vô cùng cấp thiết.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó có hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo ATLĐ khu vực phi chính thức.
Năm 2018, tỉnh đã tập huấn, huấn luyện ATLĐ cho trên 1.300 lao động khu vực làng nghề, hỗ trợ 2 làng nghề mô hình quản lý ATLĐ.
Nhờ sản xuất an toàn, nhiều làng nghề tỉnh Thái Bình phát triển mạnh |
An toàn để bứt phá
Những chính sách đồng bộ trong đảm bảo và siết chặt ATLĐ đang tạo đà cho nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Bình phát triển bền vững. Đơn cử như làng nghề chạm bạc xã Lê Lợi (huyện Kiến Xương) hiện có trên 2.500 lao động tham gia trực tiếp làm nghề.
Ông Dư Ngọc Năm, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Nghề chạm bạc đang đóng góp trên 70% vào giá trị sản xuất công nghiệp của xã, thu nhập bình quân từ nghề đạt 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn hơn 3%”.
Cùng với sự phát triển của thị trường, các cơ sở chạm bạc ngày càng có quy mô lớn, cơ giới hóa được đẩy mạnh. Để đảm bảo phát triển bền vững, xã đã định hướng các hộ phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ.
Chính nhờ đảm bảo tốt ATLĐ mà làng nghề đã có sự phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Đặc biệt,xã Lê Lợi còn rất tự hào bởi hiện tại địa phương có hoạt động của HTX Chạm bạc Phú Lợi được hình thành từ năm 1958 hiện còn lưu giữ nhiều sản phẩm độc đáo của làng nghề.
Có hơn 30 năm làm việc tại HTX, ông Đặng Văn Nghĩa (thôn Phú Ân), chia sẻ: “Trước đây các hộ làm nghề chủ yếu tự phát, những năm vừa qua, cùng với cơ giới hóa, các hộ liên kết, phát triển sản xuất theo chuỗi, chú trọng ATLĐ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập”.
Rõ ràng, dù còn không ít khó khăn, những những chính sách tăng cường ATLĐ trong các làng nghề của tỉnh Thái Bình đang đi đúng hướng và cho thấy những hiệu quả tích cực. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh hơn công tác hỗ trợ, đảm bảo ATLĐ, tạo điểm tựa cho các làng nghề phát triển.
Hạ Vy