Theo số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Thổ, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 25,64% (giảm 4,68% so với năm trước và đạt 110% kế hoạch giao); số hộ cận nghèo giảm còn 20,56% (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020).
Để có được kết quả này, những năm qua, huyện Phong Thổ đã luôn quan tâm, chú trọng công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng như liên kết phát triển kinh tế giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chú trọng đào tạo nghề
Ngoài tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện sử dụng đúng mục tiêu các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo để hỗ trợ người dân học nghề phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Các lớp đào tạo nghề được mở ra nhằm trang bị thêm cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Các ngành nghề được tập trung đào tạo chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc… Việc đào tạo được triển khai dựa trên cơ sở lý thuyết và thực hành trên các mô hình thực tế. Nhờ đó, hết năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn của huyện đạt 46,98% (trong đó đào tạo 34,59%). Sau đào tạo, nhiều lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm, một số lao động còn mở xưởng sửa chữa hoặc đến tận nhà sửa chữa cho bà con trong thôn, bản…
Đào tạo nghề là nền tảng giúp người dân giảm nghèo bền vững (Ảnh: Internet) |
Anh Teo Văn Duyên-bản Vàng Pheo, xã Mường So, chia sẻ nhờ tham gia học lớp dạy nghề về sửa chữa máy móc, máy nông cụ, đến nay, anh đã có thể áp dụng vào thực tế của gia đình. Biết tự sửa chữa máy cày, máy bừa phục vụ sản xuất nên không phải mượn hoặc thuê của hộ gia đình khác. Nhờ đó, tiến độ sản xuất của gia đình luôn đảm bảo khung thời vụ, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng.
Ngoài ra, huyện còn kết nối với các HTX, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong năm 2019, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho trên 1.100 lao động, góp phần ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,15%/năm, dạy nghề cho 1.000 lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới cho trên 1.000 lao động... góp sức để huyện biên giới Phong Thổ ngày càng khởi sắc.
Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa
Là huyện vùng biên giới giáp với Trung Quốc, khi nhắc đến Phong Thổ, người ta thường ám ảnh bởi cái đói, cái nghèo. Nhưng những năm gần đây, Phong Thổ đã biết phát huy thế mạnh của nền kinh tế đa dạng ở các lĩnh vực: dịch vụ xuất nhập khẩu, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng và thủy điện...
Đặc biệt, huyện tập trung vào phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp theo hướng hàng hóa vì đây là hướng đi vừa phù hợp với điều kiện xã hội của địa phương vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để làm hoàn thành mục tiêu trên, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chú trọng liên kết người dân để cùng nhau sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đến nay, huyện đã có không ít mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa hiệu quả.
Năm 2018, thanh niên 2 bản Nà Giang và Thèn Thầu, xã Bản Lang thành lập nhóm Thanh niên phát triển kinh tế với 10 thành viên. Mục đích của nhóm là liên kết thanh niên và cộng đồng trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương theo chuỗi giá trị; đồng thời sản xuất theo nhu cầu thị trường và hướng đến các quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm sạch, bền vững tạo việc làm tại chỗ và thu nhập cho gia đình.
Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, không chứa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sức khỏe, nhóm đã tập trung vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh và điều kiện sẵn có ở địa phương, phát triển thương hiệu gạo tẻ râu.
Nhóm vận động 30 hộ gia đình ở bản Nà Giang có đất ruộng gần nhau tham gia với diện tích 3ha. Việc thực hiện trồng lúa tẻ râu ở khu vực riêng, không những tạo điều kiện chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây lúa kịp thời mà còn tránh hiện tượng pha tạp với các giống lúa khác, nhất là vấn đề ảnh hưởng của thuốc bảo về thực vật từ những hộ lân cận sử dụng.
Thóc của bà con được nhóm mua với giá 13 nghìn đồng/kg. Bà con phải ký cam kết không được bán thóc cho đơn vị khác. Thóc được xát và đóng gói rồi xuất ra thị trường. Để gạo không bị mốc, mùi hôi, nhóm không xát nhiều mà bán đến đâu, xát đến đó. Gạo được bán với giá 25 nghìn đồng/kg, còn khi vận chuyển về Hà Nội bán với giá 30 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, người dân đã được hỗ trợ mọi mặt trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Không chỉ thành viên trong nhóm mà các hộ tham gia sản xuất đều nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất, từ đó từng bước giảm nghèo bền vững. Kế hoạch của nhóm trong thời gian tới là sẽ phát triển lên thành HTX để thuận lợi trong mở rộng sản xuất cũng như giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập.
Mô hình sản xuất của HTX Xuân Oanh (bản Vàng Khon) cũng là điển hình trong tạo việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế hàng hóa. HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực quản lý bảo vệ và chăm sóc 300 ha rừng phòng hộ kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây ăn quả.
HTX Xuân Oanh đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức lương 4-6 triệu đồng/tháng và tạo thêm việc làm cho 12 lao động thời vụ (phát dọn thực bì, trồng rừng) với giá công nhật 150-180 nghìn đồng/ngày. HTX cũng tham gia đóng bảo hiểm cho thành viên của mình góp phần tạo niềm tin, chăm lo quyền lợi, nghĩa vụ cho mọi người.
HTX Xuân Oanh cùng người dân chăm sóc rừng phòng hộ (Ảnh: Internet) |
Việc xây dựng và phát triển kinh tế từ các nhóm, HTX là nhân tố góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Phong Thổ. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu có hướng đi đúng, hỗ trợ kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao chất lượng hàng hóa. Chính các nhóm sản xuất, HTX đã là nơi tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho lao động địa phương.
Ông Trần Văn Quế-Phó Bí thư-Chủ tịch UBND huyện, cho biết nhằm phát triển kinh tế hàng hóa đi đôi với giảm nghèo bền vững, huyện đã có chính sách khuyến khích, phát triển kinh tế hợp tác, HTX với nhiều cơ chế mở, thông thoáng hỗ trợ sản xuất. Đây là động lực thúc đẩy người dân thành lập, tham gia tổ hợp tác, HTX; đồng thời củng cố các mô hình này hoạt động hiệu quả, từ đó tạo điều kiện để nhân rộng.
Huyền Trang