Những năm qua, Thanh Tân là một trong nhiều địa phương được ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam chọn là xã điểm trong triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng. Đặc biệt, kể từ năm 2022 đến nay, diện tích cấy lúa bằng máy trên địa bàn xã liên tục được nâng lên, giúp năng suất lao động tăng trung bình 20 - 45%.
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Lần đầu tiên Thanh Tân đưa máy cấy vào phục vụ sản xuất lúa là vào vụ Xuân 2022, với tổng diện tích đạt 95ha, chiếm hơn 43% tổng diện tích gieo cấy. Sang vụ mùa, diện tích cấy lúa bằng máy đã được mở rộng lên 195 ha, chiếm 80% tổng diện tích gieo cấy.
Không chỉ đưa cơ giới vào khâu gieo cấy, Thanh Tân tạo bước đột phá khi tại xã đã có 1 máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật và đã có gần 70% diện tích lúa trên địa bàn được phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh bằng thiết bị bay điều khiển từ xa.
Nông dân Thanh Tân cấy bằng máy giúp giải phóng sức lao động, tăng giá trị sản xuất (Ảnh: Thanh Châu). |
Việc phun thuốc bằng thiết bị bay, theo chia sẻ của các hộ sản xuất tại địa phương, đang góp phần tiết giảm tối đa lượng thuốc, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là giải phóng sức lao động, bảo vệ sức khỏe của con người.
Nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của ban ngành các cấp, địa phương, sự năng động của người dân, đến nay, toàn xã Thanh Tân đã có trên 70% diện tích sản xuất lúa được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu lấy nước, làm đất, đến phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Để có được thay đổi tích cực trên đồng ruộng, Đảng ủy, UBND xã Thanh Tân đã mạnh dạn tiếp nhận và triển khai mô hình cơ giới hóa ở khâu gieo cấy. Vụ đầu tiên, xã lựa chọn 3 thôn của HTX Bắc Tân thực hiện cấy lúa bằng máy.
Cùng với đó, UBND xã vận động một cá nhân thành lập Tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy, tiếp nhận hỗ trợ của tỉnh dàn máy, khay gieo mạ phục vụ cấy lúa bằng máy. Tổ dịch vụ đầu tư 1 máy cấy ngồi lái hiệu Kubota, công suất cấy 3 ha/ngày. Đây là đầu mối ký hợp đồng với người dân về việc bảo đảm gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy trên địa bàn. Để bảo đảm thời vụ và diện tích lúa cấy bằng máy, tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy cũng liên hệ thuê thêm máy cấy từ tỉnh Thanh Hóa ra hỗ trợ.
HTX khẳng định dấu ấn
Một điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình cơ giới hóa đồng ruộng ở Thanh Tân là vai trò liên kết, dẫn dắt của các HTX, điển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Bắc Tân.
Ông Đào Ngọc Toan, Giám đốc HTX, cho hay tổng diện tích gieo cấy của HTX hiện đạt trên dưới 150 ha. Kể từ vụ Xuân 2022, xã Thanh Tân (gồm 2 HTX là Nam Tân và Bắc Tân) được huyện Thanh Liêm giao thực hiện mô hình mạ khay cấy máy với diện tích là 20 ha.
Thanh Tân đang phấn đấu đưa tỉ lệ cấy lúa bằng máy lên 100% (Ảnh: Thanh Châu). |
Quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch được giao, HTX đã tích cực phối hợp cùng địa phương trực tiếp về từng thôn họp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục nông dân đồng thuận triển khai thực hiện mô hình.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, HTX họp bàn, quyết định chọn thực hiện mô hình trên diện tích cánh đồng mẫu (được xây dựng từ năm 2017) với diện tích là 31,7 ha. Toàn bộ diện tích này chỉ cấy duy nhất giống lúa chất lượng cao đó là TBR225 của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed.
“Qua thực tiễn sản xuất, lợi ích của mô hình cấy máy đã được chứng minh. Đó là, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm công lao động, năng suất lại tăng. Cấy máy là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn”, Giám đốc HTX Đào Ngọc Toan hồ hởi nói.
Cần phải nhắc lại, trước năm 2022, nông dân Bắc Tân chủ yếu thực hiện gieo sạ ở cả hai vụ lúa. Canh tác thủ công khiến đồng ruộng xuất hiện cỏ dại rất nhiều, có gia đình phải cắt bỏ tới 6-7 sào. Điển hình, vào vụ Xuân 2021, tổng diện cỏ lúa gây hại nặng trên đồng ruộng của HTX vào khoảng 7 ha, vụ mùa khoảng 5 ha. Có diện tích chỉ thu được từ 20 -30kg/sào.
Đưa máy cấy vào đồng ruộng chính là giải pháp hữu hiệu khắc phục được tình trạng lúa cỏ gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khi phương pháp gieo sạ không còn phù hợp. Nhận thấy rõ được những lợi ích thiết thực của mô hình cấy máy, nông dân đồng thuận mở rộng mô hình.
Cùng với đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất, HTX Bắc Tân đang hướng tới việc thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
Tiếp tục nhân rộng
Có thể thấy, quá trình cơ giới hóa trên đồng ruộng ở Thanh Tân đang có những tiến bộ vượt bậc. Mục tiêu của xã Thanh Tân là nâng độ phủ cấy lúa bằng máy lên 100%, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay lên hơn 80% trong ngắn hạn (1 - 2 năm tới).
Không chỉ ở Thanh Tân, việc đẩy mạnh cơ giới hóa được chú trọng trên toàn tỉnh Hà Nam. Riêng năm 2023, tỉnh đã mở rộng diện tích lúa cấy máy lên 5.000 ha, trong đó vụ Xuân 3.000 ha, vụ Mùa 2.000; xây dựng 3 tổ dịch vụ và 6 mô hình trình diễn cấy máy để từ đó tuyên truyền nhân rộng hiệu quả của phương pháp cấy máy so với các phương pháp sản xuất lúa truyền thống khác trên toàn tỉnh.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho biết việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh Hà Nam hiện mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất (100% diện tích) và khâu thu hoạch (trên 90% diện tích) còn khâu gieo cấy tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn thấp, mới đạt trên 8% diện tích.
Để mở rộng diện tích cấy máy trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, cử cán bộ kỹ thuật về làm cùng với các chủ máy cấy.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bám sát, hướng dẫn từ khi làm mạ khay đến khi đưa mạ ra đồng cấy để bà con nắm bắt được kỹ thuật một cách nhanh nhất, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy…; xúc tiến thương mại, kết nối với các HTX, tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo từ các mô hình mạ khay, cấy lúa bằng máy để khuyến khích nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng với phương châm “một cánh đồng – một giống” để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy nói riêng và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói chung.
Lệ Chi