Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc của tỉnh, Hạ Hòa có khí hậu ôn hòa, tài nguyên đất, nước dồi dào, đôi bờ sông Thao bồi đắp phù sa hình thành những cánh đồng đất bãi phì nhiêu… Những thuận lợi về địa lý và tự nhiên là điều kiện để nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Ấn tượng cây chè
Ở xã Yên Kỳ hiện có trên 800 hộ dân trồng chè với tổng diện tích hơn 600ha, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân vươn lên khá giả.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, những năm qua, người dân xã Yên Kỳ đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao như LDP1, LDP2…
Sản xuất chè VietGAP, hữu cơ mang lại thu nhập cao cho người dân Hạ Hòa. |
Như ở HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ, các thành viên chủ động trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng các giống chè chủ yếu như: BH, chè Ấn Độ, chè lai LDT1, LDT2... cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, tập trung trồng giống chè LDT1 để xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc HTX chè Yên Kỳ, cho biết HTX hiện có 35 hộ thành viên tham gia trồng hơn 12ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Chè xanh Yên Kỳ được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2020.
“Sau khi được công nhận, giá bán chè thành phẩm cũng tăng cao hơn trước. Nếu như trước kia chưa có bao bì, nhãn mác, chè được bán với giá 150 nghìn đồng/1kg thì nay 1kg chè đóng gói có giá khoảng 220 nghìn đồng”, ông Phúc phấn khởi chia sẻ.
Sở hữu gần 1 ha chè LDP1, chi Lê Thị Mỹ, thành viên Tổ hợp tác chè hữu cơ xã Yên Kỳ cho hay, để tạo ra sản phẩm sạch, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp tươi và chè sau chế biến của Tổ hợp tác chè xã Yên Kỳ nói riêng và trên toàn địa bàn xã nói chung đều tăng mạnh, thị trường ổn định, giá trị kinh tế bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ sản xuất khoa học, giá trị cao, thương hiệu “Chè xanh Yên Kỳ” đang là một trong 3 thương hiệu chè nổi bật được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm, phát triển thương hiệu đặc trưng, tăng độ nhận diện, hướng tới nâng cao giá trị, sức cạnh tranh. Sản phẩm đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…
Gia tăng giá trị sản xuất
Cùng với cây chè ở Yên Kỳ, các địa phương ở Hạ Hòa cũng đang tích cực phát triển các loại cây lương thực và cây rau màu. Trong đó, nổi bật cần phải kể đến mô hình trồng cà chua hay bí đao xanh vào vụ đông tại xã Văn Lang, góp phần mang lại thu nhập ổn định, cao hơn trồng ngô và các loại rau màu khác từ 2-4 lần.
Hạ Hòa đang đẩy mạnh đa dạng hóa cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. |
Thành công từ mô hình chuyển đổi cây rau màu giá trị thấp sang trồng cà chua và bí xanh tại xã Văn Lang không những tạo niềm tin cho bà con nông dân về sự chuyển đổi, mà còn là tiền đề, động lực để các xã tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi, nhân rộng mô hình, từ đó, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, mô hình trồng bí xanh và cà chua hữu cơ đang tiếp tục được phát triển và mở rộng tại nhiều xã đồng bằng ven sông như Bằng Giã, Chuế Lưu, Lâm Lợi, Hậu Bổng... với tổng diện tích đạt trên 200ha. Theo đánh giá, diện tích chuyển đổi sang trồng bí đao xanh, cà chua hữu cơ cho thu nhập bình quân đạt 180 triệu đồng/ha.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hạ Hòa, để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa kết hợp phát triển du lịch, huyện tiến hành khảo sát, đánh giá các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và hỗ trợ đầu tư phát triển.
Những năm qua, huyện đã hỗ trợ phát triển các mô hình trồng cây ăn quả (chủ yếu là cam và các cây có múi), cánh đồng mẫu lớn gieo cấy giống lúa chất lượng cao (J02), mô hình trồng rau an toàn, mô hình bảo vệ thực vật toàn phần trên cây trồng, mô hình sản xuất ngô dày cung cấp nguyên liệu làm thức ăn nuôi bò…
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Hạ Hòa hiện có 12 sản phẩm đăng ký và được công nhận là sản phẩm OCOP trong đó có bốn sản phẩm mới được bổ sung trong năm nay là: Bí xanh Văn Lang, Dưa lê Hàn Biển Xanh, Bí vua Hàn Quốc và Dưa leo Biển Xanh. Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương, có chất lượng, mẫu mã đạt từ hạng 3 sao trở lên.
Có thể thấy, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn gặp phải một số khó khăn, như thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chi phí đầu vào tăng; một số HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhưng diện tích còn ít; công tác tích tụ, chuyển đổi đất còn khó khăn, gây trở ngại cho việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất…
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời gian tới, huyện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả kinh tế để đưa vào quy hoạch chuyển đổi, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các mô hình sản xuất, đưa cây trồng có năng suất cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường vào sản xuất.
Ngành nông nghiệp huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp…
Cùng với đó, huyện khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất tập trung...; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hợp tác, gắn bó hơn nữa với nông dân trong phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Lệ Chi