Cây dó trầm hay dó bầu, trầm dó, trầm hương là tên gọi chung cho một chi thực vật thuộc họ trầm, thường sinh trưởng trong các khu vực rừng mưa của Indonesia, Thái Lan, Lào, Việt Nam,... Cây tạo ra trầm hương và kỳ nam sử dụng làm nước hoa và nhang, dược phẩm có giá trị cao. Gần 10 năm trở lại đây, loại cây đã được người dân xã Phúc Trạch nuôi trồng hàng loạt để làm kinh tế.
Xây nhà, mua xe nhờ trồng trầm
Nhắc đến xã Phúc Trạch của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nhiều người sẽ nghĩ đến đặc sản là bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân đã đồng loạt chuyển đổi sang trồng cây dó lấy trầm, bởi loài cây này đem lại hiệu quả kinh tế hơn gấp nhiều lần so với trồng bưởi.
Trầm hương là phần gỗ được hình thành bên trong cây dó trầm, được tạo nên khi cây tiết nhựa chống lại các vết thương do cây gãy, đổ, bị côn trùng đục khoét. Trầm sau khi thu được có mùi thơm dịu đặc trưng, có thể sử dụng làm hương thắp, nước hoa, đồ trang sức, đồ trang trí,... Với quan niệm tâm linh cho rằng sử dụng sản phẩm từ trầm hương sẽ mang lại may mắn, sự thuận lợi trong làm ăn kinh doanh, trầm thường được bán với giá rất cao.
![]() |
Toàn xã Phúc Trạch đang thực hiện trồng cây dó trầm với diện tích hơn 350ha. |
Cây dó trầm sinh trưởng đặc biệt tốt ở khu vực xã Phúc Trạch do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Thấy được tiềm năng to lớn này, người dân xã đã đồng loạt chuyển đổi từ trồng bưởi sang trồng dó trầm. Cho đến nay, hầu như tất cả 1.700 hộ dân của Phúc Trạch đều đang trồng cây dó trầm với tổng diện tích trên 350ha.
Bà Thái Thị Bé (xóm 7, xã Phúc Trạch) – một hộ dân trồng trầm so sánh: “Trồng bưởi khá kỳ công, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thụ phấn, thế nhưng thu nhập cũng phụ thuộc vào thời tiết, hễ năm nào thời tiết không thuận lợi là mất trắng. Còn cây gió trầm thì khác, việc trồng và chăm sóc rất đơn giản, không phải lo mất mùa. Khi cây gió trầm được 7 – 8 năm tuổi, thương lái vào tận nhà làm hợp đồng, đặt cọc tiền, khoan cấy trầm nhân tạo rồi gửi lại đó. Chủ vườn chỉ việc bảo vệ và ngồi chờ đếm tiền. Đến kỳ khai thác, họ vào lấy cả thân, rễ, lá chở đi”.
Thường một cây dó tạo trầm sẽ có thể khai thác khi đạt độ tuổi hơn 10 năm trở lên. Nhờ kinh doanh trầm và các sản phẩm từ trầm, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đã tăng lên đáng kể, năm 2022 đạt 56,4 triệu đồng, năm 2023 dự kiến đạt 58,1 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, hiện nay, đây là cây trồng mũi nhọn, mang lại thu nhập cao nhất của bà con. Không chỉ trồng dó trầm, nhiều hộ dân còn chế biến thành các sản phẩm từ cây dó trầm như vòng trầm, hương trầm, cây cảnh… “Có những cây dó trầm bán được hàng trăm triệu đồng. Nhờ cây dó trầm mà nhiều gia đình xây nhà tầng, sắm xe hơi”, ông Khánh thông tin.
Sản phẩm chế biến từ dó trầm mang lại hiệu quả kinh tế
Không chỉ trồng và bán cây, người dân Phúc Trạch ngày nay còn chế tác gỗ, trầm từ cây dó thành nhiều sản phẩm, vật phẩm có ý nghĩa tâm linh, phong thủy để nâng tầm giá trị. Các sản phẩm nổi bật của xã có thể kể đến là hương, trầm nụ, trầm miếng, trầm cảnh, vòng trầm…
Chị Nguyễn Thị Lan (thôn 8, xã Phúc Trạch) - một hộ dân trồng trầm cho biết: "Gia đình còn tự chế tác các sản phẩm như vòng trầm, hương trầm và các sản phẩm từ thân cây không hóa chất cho thương lái trong, ngoài nước về làm thuốc tây, dầu gội, nước hoa. Mỗi năm, gia đình thu về 400-500 triệu đồng".
Bên cạnh các hộ sản xuất đơn lẻ, địa phương cũng đã có nhiều HTX, xưởng sản xuất được thành lập để thực hiện sản xuất tập trung, tiêu biểu trong đó có HTX hương trầm Hiền Linh.
Tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năm 2016 nhưng phải đến năm 2021, HTX mới chính thức được thành lập với 7 thành viên. Với sự phát triển nhanh chóng, hiện HTX đã xây dựng được trụ sở 500m2 với hệ thống máy móc hiện đại, có vùng trồng rộng 5ha và liên kết được với 350ha trồng cây dó trầm của các hộ dân trên địa bàn.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây dó trầm của HTX rất đa dạng. Ngoài mặt hàng chủ lực là hương thắp làm từ bột trầm hương, đơn vị cũng có một số mặt hàng chế tác như trầm nụ, tinh dầu, vòng tay, đồ mỹ nghệ…
Anh Bùi Thức Chính - Giám đốc HTX Hương Trầm Hiền Linh cho biết: “Với khoảng 300 ha cây dó trầm trên địa bàn xã Phúc Trạch đã tạo nguồn nguyên liệu chất lượng để cơ sở đầu tư chế biến ra nhiều loại sản phẩm. Mỗi sản phẩm có công thức chế tạo khác nhau nhưng điểm chung là sử dụng nguyên liệu an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại nên thu hút sự chú ý của khách hàng”.
Được biết, sản phẩm tiêu thụ tốt ở thị trường trong và ngoài tỉnh và có các đại lý tại các tỉnh ngoài như: Thành phố Vinh (Nghệ An), Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Đến nay, thương hiệu sản phẩm hương trầm Hiền Linh của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Tĩnh.
![]() |
Thương hiệu sản phẩm hương trầm Hiền Linh của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Tĩnh. |
Nhờ đầu ra thuận lợi mà hoạt động sản xuất rất sôi nổi. Theo anh Chính, mỗi ngày đơn vị đang thực hiện chế tác hơn 100kg hương trầm, 15-20kg trầm nụ, vòng tay các loại, chưa kể đến những mặt hàng khác.
“Mỗi năm doanh thu của HTX đạt gần 3 tỷ đồng, đem lại thu nhập rất ổn định cho các thành viên, đồng thời còn góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân địa phương với mức lương bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng”, anh Chính cho biết.
Hiện đang là mùa cao điểm sản xuất hàng hóa cho dịp Tết, HTX hương trầm Hiền Linh cũng tất bật tăng ca sản xuất với các quy trình chế tác sản phẩm chiết xuất từ cây dó trầm như: các loại hương trầm thẻ, trầm nụ, hàng mỹ nghệ, hàng xông, tinh dầu, trầm cảnh phong thủy… để đưa ra thị trường. Anh Chính dự kiến, dịp Tết năm nay, cơ sở có thể thu về khoảng 1 tỷ đồng từ việc bán các sản phẩm.
Đóng góp vào sự phát triển chung
Những năm qua, nghề trồng dó trầm đã làm các hộ dân "đổi đời". Ông Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ tính riêng năm 2022, doanh thu từ bán cây dó trầm mang về cho các hộ dân 91 tỷ đồng, năm nay tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 95 tỷ đồng. Từ một xã nghèo tiêu biểu của huyện vào năm 2015, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Phúc Trạch đã giảm chỉ còn 2,7%. Kinh tế phát triển cũng giúp địa phương tiến lên nhanh chóng, đến năm 2022, xã Phúc Trạch đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Những thành tựu kinh tế - xã hội của Phúc Trạch góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của vùng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện Hương Khê đã giảm còn 3,93% (hộ nghèo 1,19%, cận nghèo 2,74%), giảm 2,67% so với năm trước. Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số toàn huyện đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Trong thời gian tới, huyện đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm 0,6 - 1,0%/năm. Đến năm 2025, có 100% xã có tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.
Trong tiến trình phát triển kinh tế nông nghiệp sắp tới, UBND huyện xác định tiếp tục đầu tư phát triển các loại cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế địa phương như cây dó trầm, bưởi đặc sản. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản chế biến, chế tác.
Hương Khê cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương để tạo giá trị gia tăng cho người dân sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Bích Tâm