HTX nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt là một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất của huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. HTX liên kết trồng dâu, nuôi tằm bên cạnh chăn nuôi gia cầm, buôn bán phân bón, thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Với tổng diện tích 300ha đất trồng dâu nuôi tằm, liên kết với 1.100 hộ tại huyện Bảo Yên, bình quân mỗi năm tổng doanh thu của HTX đạt hơn 5 tỷ đồng.
Sản phẩm đầu ra bị "tắc"
Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, năm nay mọi chuyện đều khác. Do ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19, các vùng sản xuất nguyên liệu kén tằm không có đầu ra, giá kén xuống thấp, các cơ sở lớn tại tỉnh Nam Định ngừng thu mua và các cơ sở nhỏ mua với giá rất thấp (từ 80.000 đồng/kg xuống còn 60.000 đồng/kg) và chỉ thanh toán trước 30% tiền mua kén, phần còn lại thanh toán sau khi xuất được hàng.
Theo tính toán của Ban lãnh đạo HTX, 2 đợt dịch vừa qua, thiệt hại của HTX lên đến hơn 2 tỷ đồng. Dù gặp khó khăn, nhưng HTX vẫn phải duy trì việc thu mua kén và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để họ tin tưởng, yên tâm sản xuất.
Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt vẫn thu mua và bao tiêu sản phẩm dâu tằm để người dân yên tâm sản xuất (Ảnh:TL) |
Ông Bùi Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt cho biết: “Trong thời gian dịch bệnh, HTX gặp khó khăn lớn về nguồn vốn để thu mua, thanh toán tiền cho người dân. Do vậy, HTX mong được vay vốn với lãi suất thấp để hỗ trợ giá chênh lệch thu mua kén tằm cho người dân”.
Còn trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Lào Cai, việc duy trì hoạt động của các HTX trong mùa dịch cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết HTX phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, đặc biệt là các HTX dịch vụ đều ngừng hoạt động. Khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, khách du lịch trong nước tăng dần, HTX trong lĩnh vực này bắt đầu hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, đến tháng 7, khi Việt Nam đối mặt với đợt dịch mới, các HTX này lại thêm một lần “bế quan”. Tương tự, trong lĩnh vực giao thông vận tải, tín dụng và xây dựng, các HTX đều đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí có lúc phải tạm ngừng hoạt động.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các HTX. Hơn 800 người lao động trong lĩnh vực KTHT mất việc làm. Tính đến thời điểm này, doanh thu bình quân của các HTX đang hoạt động cũng giảm tới 60% so với cùng kỳ năm 2019.
“Cái khó ló cái khôn”
Không chỉ riêng tỉnh Lào Cai, mà tất cả các HTX trên cả nước đều gặp khó khăn bởi dịch bệnh xảy ra. Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các HTX. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX từ các lĩnh vực như: nông nghiệp, vận tải, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch,... đều chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh.
Cụ thể, 1.338 HTX vận tải hành khách du lịch, chỉ có 20% khách thuê; HTX vận chuyển hành khách xe buýt và tuyến cố định sụt giảm khoảng 40% lượng khách đi xe; HTX vận chuyển hàng hóa bằng Công ten nơ xuất nông sản sang Trung Quốc nằm chờ rải rác ở cửa khẩu, phát sinh nhiều chi phí kho bãi, hàng hóa hư hỏng nhiều. Phần lớn các HTX thương mại, dịch vụ, du lịch giảm khoảng 50% doanh thu, hầu hết HTX tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, may mặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, lao động...khó khăn về tiêu thụ. Nhìn chung, doanh thu của các HTX giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ giúp các HTX từng bước vượt qua khó khăn (Ảnh:TL) |
Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, trong hoàn cảnh khó khăn, “cái khó đã ló cái khôn”. Theo đó, nhiều lãnh đạo, ban quản trị HTX đã chủ động nắm bắt thời cơ, đổi mới hoạt động bằng việc đa dạng hóa các dịch vụ để duy trì và phát triển. Một điển hình trong câu chuyện vượt qua khó khăn từ đa dạng hóa các dịch vụ có thể kể đến là HTX NN Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX NN Thủy Dương- Lê Chí Hiệp cho biết, không chỉ khi xảy ra đại dịch Covid-19 các HTX mới gặp khó khăn, mà bản thân các HTX phải xác định rõ khó khăn luôn bủa vây đối với mình khi phải cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình với người dân, doanh nghiệp khác để chủ động có các giải pháp vươn lên.
Yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm không có con đường nào khác ngoài mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các dịch vụ, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
HTX tranh thủ lợi thế tiềm năng, truyền thống thâm canh mướp đắng đã tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm trà mướp đắng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng chục ha mướp có đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm được nâng cao, giúp gần 100 hộ cải thiện thu nhập.
Kinh doanh dịch vụ nhà hàng sinh thái của HTX Thủy Dương được xem là nét mới trong mô hình kinh tế HTX, bước đầu thu hút du khách tham quan, ăn uống. Trước xu thế trồng rừng kinh tế hiệu quả, HTX tranh thủ nguồn lực đầu tư dịch vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ thành viên.
HTX duy trì, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các dịch vụ thủy lợi, kinh doanh thức ăn gia súc gia cầm, giống, thu mua sản phẩm nông sản, xây dựng cơ bản, quản lý chợ, hỗ trợ vốn… Tổng nguồn vốn và các quỹ đến hết năm 2019 đạt trên 12,5 tỷ đồng, lãi dòng đạt gần 2,4 tỷ đồng, chia lợi tức cho thành viên gần 1,1 tỷ đồng và trích lập các quy đạt 1 tỷ 064 triệu đồng.
Có thể thấy, việc các HTX chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh bằng việc đa dạng các ngành nghề, dịch vụ, gia tăng quy mô hoạt động sẽ giúp cho lợi nhuận của các HTX từng bước vượt qua khó khăn không chỉ tại thời điểm dịch bệnh, mà còn tăng sức cạnh tranh của khu vực KTHT, HTX và từng bước gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy các HTX phát triển nhanh và bền vững.
Phạm Duy