Năm 2017, huyện Cao Lộc thành lập mới 3 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 17 HTX, trong đó có 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - nghiệp; 11 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải.
Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt trên 70 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ; toàn huyện có 3 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Trong gần 20 năm hình thành và phát triển, HTX xây dựng và chế biến lâm sản 17/10 (thôn Yên Thành, xã Yên Trạch) đang trở thành chỗ dựa vững chắc cho thành viên, người lao động.
HTX đang tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên và hơn 200 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động HTX cũng liên tục tăng từ 3,5 triệu đồng/người năm 2014 lên 6,2 triệu đồng/người năm 2017.
Dưới sự dẫn dắt của HTX, thành viên và người dân trên địa bàn dần từ bỏ thói quen sản xuất manh mún, chụp giật, chuyển sang sản xuất tập trung, coi trọng các tiêu chuẩn về ATLĐ, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các HTX đang có nhiều điều kiện để phát triển ở Cao Lộc |
Ông Nguyễn Hải Sơn - Giám đốc HTX 17/10, cho biết: “Những năm qua, quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, hướng đến sự phát triển hiệu quả, bền vững đang được HTX hoàn thiện. Người lao động chính thức của HTX được đảm bảo các quyền lợi cơ bản về lương, thưởng, bảo hiểm và được trang bị đầy đủ dụng cụ, đồ bảo hộ lao động”.
Hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX rau củ quả Gia Cát (xã Gia Cát) được hỗ trợ đầu tư 18 nhà lưới với diện tích 1.500m2 để trồng rau an toàn và các loại giống rau chất lượng cao. Ngoài trồng rau tại các nhà lưới, HTX còn phát triển các vùng rau an toàn ngoài trời với tổng diện tích gần 6ha.
Ông Thi Văn Huấn - Phó Giám đốc HTX, cho hay: “Việc sản xuất rau an toàn được HTX chú trọng. Toàn bộ thành viên HTX được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn, đào tạo kỹ lưỡng về kỹ năng ứng dụng khoa học - công nghệ mới, kiến thức về vệ sinh thực phẩm và an toàn lao động (ATLĐ)”.
“Với tôn chỉ tất cả vì lợi ích thành viên, yếu tố ATLĐ được HTX đặc biệt quan tâm, trong quá trình sản xuất, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, được trang bị đồ bảo hộ lao động, kỹ năng vận hành máy móc, nông cụ… đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình sản xuất”, ông Huấn nhấn mạnh.
Ngoài 2 HTX trên, trên địa bàn huyện còn nhiều HTX hoạt động có hiệu quả và được Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn biểu dương như HTX Hợp Thịnh (xã Hợp Thành), HTX Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng), HTX An Bình (thị trấn Cao Lộc)…
Bà Lã Thị Hồng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể huyện Cao Lộc, cho biết: Để kinh tế tập thể phát triển hơn nữa, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng tầm các tổ hợp tác, các mô hình kinh tế hiệu quả thành HTX.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm củng cố, tháo gỡ khó khăn cho các HTX đang hoạt động. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn.
Phan Lang