HTX nông nghiệp Tiến Thành được thành lập từ năm 2016, một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng trên đất dốc.
Để phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), HTX trực tiếp đứng ra cung cấp các dịch vụ đầu vào đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý cho thành viên, người sản xuất, như phân bón, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây…
Thông qua nhiều hội chợ, HTX tích cực tham gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm với khách hàng và tìm kiếm các hợp đồng tiêu thụ. Đến nay, HTX có 10 thành viên với diện tích cây ăn quả trên 50ha, trong đó có khoảng 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại đều tuân thủ quy trình sản xuất an toàn.
Anh Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX là một trong những đơn vị đầu tiên ở Chiềng Xuân ghép cải tạo vườn nhãn từ những gốc nhãn cổ thụ trên 30 năm tuổi. Chỉ sau một năm ghép cải tạo, năng suất nhãn đã tăng gấp 2 - 3 lần, giá bán cao gần 3 lần”.
Cây nhãn cũng đang là cây chủ lực của HTX Tiến Thành. Năm 2018, nhãn được mùa, với mức giá trung bình 10.000 đồng/kg, thành viên HTX và các hộ dân trồng nhãn và cây ăn quả tại địa phương thu về bình quân 50 - 60 triệu đồng/hộ, nhiều hộ thu về 200 - 300 triệu đồng.
Các HTX cây ăn quả ở Chiềng Xuân đang cho hiệu quả tích cực |
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Dù vốn góp chưa nhiều để phục vụ được 100% nhu cầu phân bón, vật tư cho các thành viên, nhưng việc ra đời HTX đã giúp các hộ thuận lợi hơn nhiều trong thu hoạch, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển sản xuất an toàn, nâng cao các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, đem lại lợi ích toàn diện cho thành viên, người lao động”.
Trước đây, sản xuất manh mún, người trồng nhãn thường xuyên bị thương lái ép giá. Khi HTX được thành lập, các hoạt động sản xuất, tiêu thụ được tổ chức bài bản giúp giá bán ổn định, thị trường rộng mở. Người trồng nhãn bắt đầu đầu tư cho sản xuất áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất an toàn, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Từ hiệu quả của HTX Tiến Thành, đầu năm 2018, Chiềng Xuân tiếp tục thành lập thêm HTX Cây ăn quả Vân Hồ, với 19 hộ xã viên, liên kết phát triển mô hình trồng cây ăn quả với diện tích gần 100ha. Kinh tế hợp tác thực sự trở thành “luồng gió mới” ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn như Chiềng Xuân.
Sở hữu vườn cây ăn quả (cam, xoài, bưởi…) rộng 3ha, anh Đoàn Minh Chiến chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của HTX, tôi đầu tư làm hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cam với diện tích 1ha và bể chứa nước trên đỉnh đồi để phục tưới tiêu, giúp vườn cây phát triển tốt. Năm 2017, tổng doanh thu từ cây ăn quả của gia đình đạt gần 500 triệu đồng”.
Không chỉ hỗ trợ về vốn, HTX còn tổ chức tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về sản xuất sạch, ATLĐ, hướng dẫn sử dụng máy móc, nông cụ, đảm bảo phát huy tối đa năng suất lao động và đảm bảo an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, cho biết: “Chiềng Xuân là một trong những điểm sáng của huyện về phong trào phát triển kinh tế hợp tác và đang cho thấy hiệu quả cao. Những năm qua, xã đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo ATLĐ cho người dân”.
Phan Lang