Việc đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng |
Nhiều HTX đầu tư máy móc sản xuất (cả trong nông nghiệp và chăn nuôi), nhưng các thành viên HTX chủ yếu vẫn tự học, phần đông chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm mà chưa có người giảng dạy, hướng dẫn bài bản, do vậy, dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc do sử dụng máy móc chưa đúng cách.
Nhận thức hạn chế, tai nạn gia tăng
Hàng năm, các HTX ở nhiều địa phương đều phối hợp với các cấp Hội mở lớp tập huấn công tác VSATLĐ và sử dụng máy móc nông nghiệp cho thành viên HTX. Tuy nhiên, nhận thức về công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp của bà con xã viên vẫn còn hạn chế, chưa thấy hết tác hại, sự nguy hiểm của việc không đảm bảo ATVSLĐ đến sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đánh giá về năng lực sử dụng máy nông nghiệp của nông dân, một lãnh đạo Liên minh HTX Hà Nam cho biết: “Máy móc trong sản xuất nông nghiệp (cả trồng trọt và chăn nuôi) đã được các HTX đưa vào sản xuất nhiều năm nay.
Bước đầu chỉ là các máy móc đơn giản, sau khi có khoán 10 cùng với điều kiện phát triển kinh tế của các hộ xã viên được nâng cao, từ đó có điều kiện để đưa một số máy móc có công suất lớn, năng suất lao động cao vào sản xuất.
Do không được đào tạo bài bản, chỉ học qua thực tế, nên chỉ một số ít người có khả năng sửa chữa khi có hỏng hóc, còn đa số chỉ là biết vận hành”.
Cùng với việc gia tăng sử dụng máy móc, các vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp cũng gia tăng, để lại những thương tích nặng nề cho người nông dân.
Theo thống kê của Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH), so với các ngành khác, lao động trong nông nghiệp là một trong số những đối tượng có nguy cơ mắc TNLĐ cao nhất, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, NLĐ chủ yếu sử dụng máy móc theo kiểu “học lỏm”, đa số không được hướng dẫn về an toàn khi sử dụng máy móc, hóa chất. Có tới trên 40% máy móc không được che chắn thiết bị truyền động, gần 65% thiếu chỉ dẫn an toàn máy.
Trong khi đó, trên 40% NLĐ không sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân khi sử dụng máy móc hay phun thuốc BVTV. Những yếu tố này là nguyên nhân lớn dẫn đến nguy cơ tai nạn dễ xảy ra như bị dây cua- roa nghiến đứt tay, tay quay văng vào mặt, ngộ độc thuốc BVTV.
Nâng cao nhận thức và kỹ năng
Để nâng cao nhận thức cho các đối tượng là tuyên truyền viên, chủ sở hữu và người sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp, nhiều tỉnh đã lồng ghép bài giảng ATVSLĐ trong các buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho người nông dân.
Các lớp tập huấn đã trang bị kiến thức và kỹ năng về sử dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất, giúp người nông dân biết vận dụng các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sử dụng, đồng thời hướng dẫn cho người khác cùng biết để sử dụng thành thạo các loại máy, thiết bị đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo ATLĐ ngành nông nghiệp, ông Đặng Thìn Hùng (Viện Khoa học LĐ&XH) đưa ra lời khuyên: Trong quá trình vận hành máy, người nông dân tuyệt đối không được ngủ gật hay bỏ đi nơi khác, không được cho những người không có trách nhiệm hay không có nhiệm vụ vận hành máy. Không được lau chùi dầu mỡ khi máy đang hoạt động, khi máy có tiếng kêu lạ thì phải tắt rồi mới kiểm tra.
Ngoài ra, đối với các máy dùng điện, người sử dụng cần che chắn các loại dây dẫn khi sử dụng để bảo đảm an toàn. Để hạn chế, loại trừ tai nạn nguy hiểm, cần che chắn các bộ phận nguy hiểm của máy.
Các thiết bị che chắn phải là các lưới sắt dễ nhìn thấy khi máy đang hoạt động; kiểm tra kỹ các thiết bị an toàn máy khi mua, người điều khiển máy cần sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân, trên các máy có nút tắt khẩn cấp, bảng điện phải có nội dung tiếng Việt để bảo đảm an toàn trong sử dụng.
Tại các địa phương, cần phát động phong trào chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động an toàn máy giữa các hộ, hợp tác xã, nông trường, khen thưởng động viên kịp thời những đơn vị cá nhân thực hiện tốt.
Trung Việt