![]() |
BHLĐ của NLĐ trong một cơ sở sản xuất cơ khí tại Đồng Côi chỉ là đôi găng tay |
Các làng nghề ở Nam Định hiện thu hút hơn 54.000 hộ, gần 500 DN, HTX và cơ sở sản xuất, với khoảng 150.000 lao động. Nhiều làng có tỷ lệ lao động trong các ngành nghề chiếm 80 - 90% lao động địa phương.
Đối diện với yếu tố nguy hiểm
Những năm qua, các làng nghề phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, các làng nghề hiện cũng đang phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, độc hại, như bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ và ô nhiễm môi trường.
Làng nghề đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều mặt hàng trên thị trường đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và các xã lân cận. Do đặc thù của nghề đúc kim loại, cùng với tiếng ồn, lượng khí thải và bụi từ hoạt động đúc kim loại, gia công cơ khí… xả ra rất lớn khiến các nhà xưởng và xung quanh khu vực làng nghề luôn có mùi khét lẹt.
Tuy nhiên, đa phần lao động ở làng nghề, từ chủ cho đến người làm thuê, đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm ATVSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đầy đủ bảo hộ lao động (BHLĐ) trong quá trình sản xuất, như: không mang khẩu trang, giày, đeo kính. Nhiều lao động chỉ trang bị BHLĐ duy nhất là đôi găng tay. Một số lao động cho rằng mặc dù biết là môi trường làm việc ô nhiễm, độc hại, chưa kể do đặc thù nghề đúc thì các tai nạn gây thương tích và nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, nhưng bản thân họ cũng không sử dụng BHLĐ cá nhân vì “vướng víu”.
Tăng cường công tác ATVSLĐ
Theo quy định, khi tuyển dụng, người sử dụng lao động (SDLĐ) phải tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ, song vì lợi nhuận, chủ SDLĐ đã bỏ qua, dẫn đến hiểu biết và ý thức chấp hành kỷ luật lao động của NLĐ hạn chế.
Mặt khác, phần lớn cơ sở sản xuất ở làng nghề có quy mô nhỏ, thường đặt tại gia đình, người thợ chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau, chưa mang tính chuyên nghiệp, không tham gia BHXH, BHYT. Việc trang bị BHLĐ ở nhiều cơ sở mang tính đối phó, chủ SDLĐ không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận “miệng” và không thực hiện thống kê các vụ việc tai nạn báo cáo cơ quan chức năng. Khi tai nạn xảy ra, thiệt thòi nhất chính là NLĐ, nhất là đối tượng không có BHXH, BHYT, phải tự lo mọi khoản chi phí.
Để tăng cường công tác ATVSLĐ ở các làng nghề, thời gian qua, Ban chỉ đạo ATVSLĐ tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở, DN, HTX trong làng nghề thực hiện ATVSLĐ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người SDLĐ và NLĐ trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, hạn chế xả bụi bẩn, hóa chất gây ô nhiễm không khí, nguồn nước; trang bị phương tiện, thiết bị xử lý chất thải; yêu cầu NLĐ sử dụng BHLĐ trong quá trình sản xuất, bảo đảm sức khỏe, tính mạng NLĐ và sự phát triển bền vững của DN, HTX, cơ sở sản xuất.
Các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực ATVSLĐ tại các làng nghề và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các DN, HTX,cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Các làng nghề cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho người SDLĐ và NLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các yếu tố nguy hại, phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Minh Tân