![]() |
NLĐ ở làng nghề mộc xã Mai Đình (Hiệp Hòa) luôn đối mặt với nguy cơ TNLĐ |
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 37 làng nghề công nghiệp - TTCN, trong đó có 23 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đã và đang gây ô nhiễm môi trường, người làm nghề chủ yếu theo kinh nghiệm làm gia tăng số người mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động (TNLĐ, BNN).
Tiềm ẩn nguy cơ
Làng nghề mộc Bãi Ổi (xã Dĩnh Trì, Tp.Bắc Giang) có hơn 60 cơ sở sản xuất với hàng trăm mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Thế nhưng, người dân cũng luôn phải sống chung với bụi, tiếng ồn và nguy cơ hỏa hoạn cao do gỗ, mùn cưa chất đống.
Trong khi đó, hệ thống dây điện chằng chịt, nhiều cầu dao không có nắp bảo vệ, hầu hết nhà xưởng thiếu phương tiện PCCC, công nhân làm việc thiếu bảo hộ lao động (BHLĐ). Nhiều xưởng mộc chỉ che chắn tạm bợ, nằm xen giữa khu dân cư nên ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Những người thợ ở làng nghề dát vàng, quỳ bạc thôn Hương Ninh (xã Hợp Thịnh, Hiệp Hòa) cũng làm việc trong điều kiện thiếu các phương tiện BHLĐ. Chứng kiến người lao động quai búa đập quỳ trong những căn phòng kín bụi mù, inh tai mới thấy lo ngại về sự độc hại cho những người làm nghề.
Anh Vũ Văn Hải, thợ quỳ bạc, chia sẻ: “Đây là mặt hàng tinh xảo, được làm thủ công, dùng để dát lên các sản phẩm mỹ nghệ. Vẫn biết là độc hại, ảnh hưởng đường hô hấp, nhưng làm lâu thành quen, nên tôi cũng chẳng muốn đeo khẩu trang, bịt tai vì nóng”.
Còn ở những làng nghề cơ khí khác như nghề “mổ” xe ở thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì; tổ hợp sản xuất nhôm kính Xương Lâm (Lạng Giang); mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên)… khi không tuân thủ nghiêm quy trình lao động, người thợ rất dễ bị thương, ảnh hưởng tới sức khỏe. Cùng với tiếng ồn, bụi, khí thải, tại các cơ sở tái chế phế liệu luôn phải sống chung với mùi khét của nilon, nhựa và nguy cơ cháy nổ cao. Nhiều người lo lắng mắc BNN liên quan đến phổi, da, mắt… song vì mưu sinh nên đành chấp nhận.
Cải thiện môi trường lao động
Qua tìm hiểu cho thấy, môi trường lao động luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro một phần do chủ cơ sở chưa đầu tư máy móc, thiết bị có độ an toàn cao, người thợ chưa được trang bị đầy đủ thiết bị BHLĐ; một bộ phận công nhân còn chủ quan, thiếu kỹ năng, kiến thức bảo vệ mình trong hoạt động sản xuất.
Theo quy định, khi tuyển dụng, người SDLĐ phải tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, PCCN, song vì lợi nhuận, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ qua, dẫn đến hiểu biết và ý thức chấp hành kỷ luật lao động của NLĐ hạn chế.
Hơn nữa, phần lớn cơ sở sản xuất ở làng nghề có quy mô nhỏ, thường đặt tại gia đình, người thợ chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau, chưa mang tính chuyên nghiệp, không tham gia BHXH, BHYT. Việc trang bị BHLĐ ở nhiều cơ sở mang tính đối phó, chủ SDLĐ không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận “miệng” và không thực hiện thống kê các vụ việc TNLĐ báo cáo cơ quan chức năng. Khi TNLĐ xảy ra, thiệt thòi nhất chính là người thợ, đặc biệt là đối tượng không có BHYT, BHXH, phải tự lo mọi khoản chi phí.
Để tăng cường công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh, ATLĐ, PCCN đối với từng cơ sở sản xuất. Trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế xả bụi bẩn, hóa chất gây ô nhiễm không khí, nguồn nước; trang bị phương tiện, thiết bị xử lý chất thải; yêu cầu người thợ trực tiếp sản xuất sử dụng BHLĐ.
Về lâu dài, chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng tập trung, đưa sản xuất ra ngoài khu dân cư, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở sản xuất và NLĐ về công tác bảo đảm ATVSLĐ, PCCN.
Minh Thu