Trang trại nuôi gà siêu trứng thôn Thương của ông Trần Hồng Kỳ (xã Minh Tân, huyện Vụ Bản) đang là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học điển hình của tỉnh Nam Định. Để đảm bảo chăn nuôi an toàn, việc xây dựng và thiết kế chuồng trại được ông Kỳ đảm bảo theo đúng quy trình.
Trang trại nuôi giống gà đỏ Isa Brown chuyên trứng, có giấy chứng nhận kiểm dịch, con giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và xét nghiệm máu trước khi nhập chuồng. Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại luôn được thực hiện định kỳ 3-4 ngày/lần nên dịch bệnh gần như “bất khả xâm phạm”. Chất thải được xử lý bằng vi sinh trước khi đem ra ngoài trang trại.
“Cuối năm 2012, trang trại nhà tôi được cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chăn nuôi gà theo phương thức an toàn sinh học không không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), tạo ra những sản phẩm chất lượng để phục vụ thị trường”, ông Kỳ cho hay.
Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại Nam Định đang phát triển mạnh, đem lại hiệu quả cao |
Tại huyện Ý Yên, HTX chăn nuôi Yên Lợi (xã Yên Lợi) đang có nhiều cách làm hay, hiệu quả từ mô hình nuôi lợn an toàn. HTX đã xây dựng quy trình sản xuất lợn an toàn sinh học chung cho các thành viên áp dụng, đảm bảo sản xuất an toàn, ATLĐ trong quá trình chăn nuôi. Cụ thể, quy trình của HTX được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ lúc lợn mới sinh đến 3 tháng được cho ăn thức ăn vi sinh; giai đoạn 2, từ tháng thứ 3, lợn được cho ăn ngô, cám gạo, khô đậu tương…
Hầu hết các thành viên HTX đều xây hầm biogas để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn được sử dụng đúng hướng dẫn tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lợn. Việc làm vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, dùng vôi sát trùng… được tuân thủ triệt để theo định kỳ.
Ông Trần Văn Bôn - thành viên HTX cho biết: “Từ khi vào HTX, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong thực hiện chăn nuôi an toàn. Tất cả thành viên phải nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi an toàn, cam kết tuân thủ các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm trong quá trình chăn nuôi. Các hoạt động sản xuất được HTX giám sát chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thành viên”.
Để chăn nuôi phát triển bền vững, những năm qua, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi xây dựng các trang trại, gia trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo ATLĐ gắn với bảo vệ môi trường.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn mô hình áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin định kỳ cho vật nuôi, thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, người chăn nuôi đã xây dựng các công trình khí sinh học hoặc sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi tại chỗ.
Phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, giảm chi phí đầu vào, giảm công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, hạn chế dịch bệnh, nên gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, góp phần giúp các địa phương có ngành chăn nuôi phát triển hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Minh Tuyết