Toàn tỉnh Nam Định có 242 HTX chuyển đổi từ mô hình HTX truyền thống sang hoạt động theo Luật HTX 2012 và 71 HTX thành lập mới. Hiện, tỉnh đã xây dựng và phát triển được 22 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Kiên quyết xử lý các HTX yếu kém
Sau chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, nhiều HTX nông nghiệp của tỉnh Nam Định vẫn còn khó khăn. Việc huy động vốn góp của thành viên lẹt đẹt, cơ sở vật chất, phương tiện của HTX hạn hẹp dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, chưa có nhiều HTX tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Bên cạnh đó, một số HTX dù đã tổ chức chuyển đổi nhưng chưa xây dựng được phương án khả thi, vẫn hoạt động cầm chừng hoặc chưa được giải thể do còn nhiều vấn đề liên quan.
Ông Vũ Đình Mạc - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hiệu quả của việc giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc lãnh đạo các địa phương có thực sự vào cuộc hay không.
Để đẩy nhanh tiến độ giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng, Liên minh HTX tỉnh đã đề ra các giải pháp sát với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, Hội đồng giải thể HTX được thành lập, tiến hành đánh giá, phân loại, định giá để làm cơ sở thực hiện, xử lý công nợ theo quy định. Trong trường hợp không còn tiền để thanh toán các khoản nợ của HTX như các khoản nợ thuế và các khoản nợ các tổ chức tín dụng, Hội đồng giải thể tiến hành đàm phán để đề xuất được xóa hoặc hoãn nợ…
Đối với các HTX không còn đại diện, cần sớm tổ chức đại hội xã viên bầu bổ sung các thành viên bắt buộc để tham gia hội đồng giải thể.
Toàn bộ tài sản cố định của các HTX được chuyển cho UBND xã quản lý, sau đó chuyển thành các công trình dịch vụ công ích cho HTX mới.
Vốn lưu động được đại hội xã viên quyết định theo hai hướng: chuyển cho UBND xã xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất hoặc chia cho xã viên.
Cánh đồng rau sạch tại Ý Yên (Nam Định) |
Ra đời từ nhu cầu cuộc sống
Dù vậy khó khăn trong việc giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp tại mỗi địa phương rất khác nhau. Do đó, các địa phương đã hết sức linh hoạt trong vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành.
Đáng nói là, ngay sau khi các HTX cũ được giải thể, trên tinh thần tự nguyện, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã lại “tìm đến nhau” để thành lập các HTX mới.
Ông Đinh Thanh Nghị - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kiên Trung (xã Hải Hưng) - một trong số các HTX mới được thành lập ở huyện Hải Hậu, chia sẻ: “Sau khi HTX nông nghiệp cũ của xã giải thể, 19 anh em chúng tôi, vốn là những người gắn bó với HTX, có cả các anh em đang làm trưởng thôn, đội trưởng đội sản xuất rủ nhau thành lập HTX mới; cùng góp với nhau được 600 triệu đồng làm vốn hoạt động. Riêng tôi góp 100 triệu đồng. Khi HTX được thành lập, chính quyền xã quan tâm cho mượn lại trụ sở HTX cũ làm văn phòng, do vậy không phải đi thuê”.
Ông cũng cho biết thêm, thời gian qua, HTX Kiên Trung tập trung làm dịch vụ cho nông dân địa phương, gồm làm đất, thủy nông dẫn nước, diệt chuột, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật.
Doanh thu lớn nhất của HTX là từ nguồn thu làm 600 mẫu đất. Bộ máy gọn nhẹ, việc làm ổn định, chi phí tiết kiệm nên HTX bước đầu bảo đảm có lãi cho những người góp vốn và trả lương cho bộ máy...
Nhìn nhận về các HTX “tân binh”, ông Nguyễn Văn Tìm - Bí thư Huyện ủy Hải Hậu, cho biết: “Dẫu còn gặp một số khó khăn nhưng huyện kỳ vọng rất nhiều vào những HTX mới được thành lập này, vì sự ra đời của các HTX xuất phát từ nhu cầu của đời sống, từ tâm huyết, công sức, tiền bạc của những người nặng lòng, gắn bó với HTX”.
Hà Xuyên