Huyện Mường La có 15 xã, trong đó có 9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II. Khi bắt tay thực hiện nông thôn mới (NTM), huyện chưa có xã nào đạt trên 5 tiêu chí, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 44%.
Phát huy nguồn vốn NTM
Ông Nguyễn Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn, huyện đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định thế mạnh để đầu tư, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 1.015 tỷ đồng, trong đó huy động xã hội hóa 227 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn NTM, huyện đã phân bổ, kết hợp với các chương trình, dự án để chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đầu tư cho cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được huyện triển khai hiệu quả. Tính đến tháng 6/2019, toàn huyện có 3.353 ha xoài, nhãn, táo đại, chuối và các loại cây ăn quả có múi khác; 2.069 ha sơn tra, sản lượng năm 2019 ước đạt 7.375 tấn.
Chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện cũng có chuyển biến tích cực, với trên 23.680 con bò; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 139 ha, có 841 lồng cá, sản lượng trên 440 tấn/năm.
Bên cạnh đầu tư cho phát triển nông nghiệp, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp hàng chục nghìn mét vuông đất, ngày công lao động, nguyên vật liệu trị giá trên 170 tỷ đồng, bê tông hóa 178 tuyến đường giao thông nông thôn...
Cùng với đó, huyện đã đầu tư xây mới 179 công trình cấp nước tập trung, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83%. Đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng cao, đến nay 45% số bản, tiểu khu, 60% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Các HTX đang là điểm sáng trong xây dựng NTM tại Mường La |
Điển sáng từ các HTX
Những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường La không thể không kể đến vai trò của các HTX, tổ hợp tác. Trong 10 năm qua, huyện đã thành lập được 47 HTX, trong đó có 33 HTX nông nghiệp, cho hiệu quả thiết thực.
Sở hữu 4.000 ha mặt nước lòng hồ các công trình thủy điện, Mường La có thế mạnh đặc biệt trong lĩnh vực nuôi cá lòng hồ. Những năm qua, các HTX thủy sản đang phát huy tốt thế mạnh này của địa phương.
HTX Bình Minh (xã Chiềng Lao) thành lập từ tháng 5/2016, hiện có 8 thành viên, quy mô 71 lồng cá, với các giống chủ yếu là rô phi, trắm cỏ, cá nheo, cá trê, trắm đen, lăng vàng, diêu hồng...
Anh Cà Văn Siêng - Giám đốc HTX Bình Minh, chia sẻ: “Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, HTX đã bán ra thị trường 39,5 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Hiện, HTX đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Cá lòng hồ sông Đà”.
Bên cạnh thủy sản, nhiều cây trồng thế mạnh của huyện cũng đang được các HTX phát huy. Đơn cử, cây sả Java của xã Pi Toong đang phát triển khá tốt và đang được nhân rộng dưới sự dẫn dắt của HTX Sản xuất, chiết xuất tinh dầu, dược liệu và nông lâm nghiệp Mường La.
Hiện cây sả được trồng tập trung trên các triền đồi dọc hai bên đường vào trung tâm xã. HTX đang có hơn 45 ha trồng sả (25 ha đang cho thu hoạch, 20 ha trồng mới). Doanh thu trong quý đầu năm 2019 của HTX đạt 300 triệu đồng, thu nhập bình quân các thành viên 6 - 8 triệu đồng/ người/tháng.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, huyện Mường La dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các HTX đổi mới hoạt động, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, giúp thành viên HTX, nông dân địa phương yên tâm phát triển sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM tại địa phương.
Nhật Minh