Cuối tuần qua, tại Lai Châu, Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới".
Là khu vực có tiềm năng rất lớn
Báo cáo tại Hội thảo cho biết, Tây Bắc là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới giáp với Lào và Trung Quốc, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên và 13% dân số cả nước (hơn 11 triệu người).
Đây là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các vùng khác trong cả nước (31,2%). Tại Tây Bắc, 80% dân số nói chung sống dựa vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, thổ nhưỡng phong phú và khí hậu tương đối mát mẻ, Tây Bắc được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn cho việc phát triển kinh tế và được xếp vào tốp đứng đầu trong 8 vùng kinh tế của cả nước.
Tây Bắc còn có điều kiện thuận lợi để phát triển những ngành kinh tế dựa trên những thế mạnh nổi trội về tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.
Tính đến tháng 6/2018, Tây Bắc có 2.462 HTX, chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, trong đó, có 1.420 HTX nông nghiệp. Về cơ bản, Tây Bắc có số lượng HTX khá đồng đều, trung bình 352 HTX/tỉnh.
Đa phần các HTX nông nghiệp trong vùng tổ chức tốt các khâu dịch vụ đầu vào như cung cấp dịch vụ vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ sản xuất, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, chế biến sản phẩm cho thành viên…
Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp trong vùng gặp một số khó khăn, như nguồn lực còn yếu, nhiều HTX chưa chủ động tìm nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh do HTX cung cấp…
Các HTX chưa xác định được hướng sản xuất, tìm được sản phẩm chủ lực của HTX để đầu tư sản xuất bán ra thị trường, do đó chưa chú trọng đến bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Thời tiết biến đổi thất thường, một số HTX bị ảnh hưởng do các đợt lũ lớn, làm ngập úng, cuốn trôi nhiều hoa màu, ao nuôi cá, vật nuôi đến ngày thu hoạch…
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh: Thời gian tới sẽ tăng cường đầu tư cho vùng Tây Bắc |
Tập trung phát triển theo thế mạnh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận định các HTX nông nghiệp tại Tây Bắc đã làm tốt công tác hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển thông qua các hoạt động đầu vào, đầu ra; hướng dẫn các hộ thành viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh vẫn lưu ý Liên minh các tỉnh Tây Bắc cần tập trung phát triển HTX nông nghiệp gắn với sản phẩm chủ lực của vùng và du lịch cộng đồng theo thế mạnh của từng địa phương.
Các tỉnh Tây Bắc cũng cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số, gắn với phát triển kinh tế xã hội của vùng và phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, cần tập trung nguồn lực cho đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tích tụ ruộng đất...
Về phía Liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường đầu tư cho vùng Tây Bắc. Dự kiến kinh phí cho vùng Tây Bắc trong năm 2019 sẽ gấp đôi so với năm 2018, trong đó tập trung chủ yếu vào xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi liên kết.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ tranh thủ các nguồn lực quốc tế để đầu tư cho sự phát triển của HTX, cũng như kinh tế hợp tác của vùng Tây Bắc.
Hồng Nhung