Nhận định trên được đa số các đại biểu tham dự hội thảo "Phát triển HTX nông nghiệp theo chuỗi - Kinh nghiệm và thực tiễn tại tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên" nhất trí tán thành.
Hội thảo do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) tổ chức, với sự tham dự của đại biểu của các HTX và Liên minh HTX các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị phát biểu tại Hội thảo |
Sự hỗ trợ từ Agriterra
Tại Việt Nam, các hỗ trợ người nông dân tốt nhất là thông qua HTX và cách hỗ trợ HTX tốt nhất là giúp các HTX gắn với chuỗi giá trị sản xuất.
Để làm được điều này, Agriterra đã hỗ trợ các HTX bằng cách tư vấn dịch vụ, tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhân lực và cho các HTX tham quan, học tập các mô hình hiệu quả.
Đồng thời, Agriterra cũng giúp các HTX tiếp cận công nghệ hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh, kết nối với thị trường…
Mục tiêu tối thượng của Argiterra là đến năm 2020 giúp các HTX đang được hỗ trợ nhận được sự đầu tư của ngân hàng, tổ chức tín dụng để có thể tự thân đứng vững và hòa nhập với chuỗi liên kết của thế giới.
Thực tế, tại HTX Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), sau khi được Agriterra tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm cũng như tham dự các lớp tập huấn, đưa chuyên gia của Agiterra trực tiếp tư vấn cho lãnh đạo HTX về công tác quản lý tài chính, quản trị, mycoop, marketing… đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, thành viên. Nhờ đó, HTX đã có thêm nguồn động lực, mạnh dạn liên doanh, liên kết mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh theo chuỗi, liên tục đổi mới và phát triển.
Ông Harm Haverkort - Trưởng đại diện Agriterra tại Việt Nam |
Hay HTX Điện Quang (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã được Agriterra hỗ trợ nguồn kinh phí tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuỗi giá trị… đã góp phần đưa thương hiệu "Dầu phụng Đất Quảng" của HTX vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Harm Haverkort nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển HTX khi có hệ thống Liên minh HTX đến từng địa phương, số lượng HTX lớn, và được Chính phủ quan tâm…
Cần sự bảo hộ của chính quyền
Nhưng ông Harm Haverkort cũng cho biết khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức khi phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại. Đây là nhu cầu bức thiết, buộc người nông dân, HTX phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận định trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, không một sản phẩm nào có thể đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng để tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu thì không thể sản xuất nhỏ lẻ manh mún, cạnh tranh lẫn nhau. Cũng không thể sản xuất mà không biết thị trường cần gì, cần bao nhiêu.
"Để không thua trên sân nhà trong hội nhập, phải sản xuất theo chuỗi, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Đây là đòi hỏi khách quan của thị trường trong thời đại hội nhập", Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị nhấn mạnh
Quan trọng nhất là sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường, tránh sản xuất theo phong trào và sản xuất theo chuỗi phải trên cơ sở gắn bó về lợi ích kinh tế giữa các bên, đặc biệt là sự kết hợp giữa doanh nghiệp và HTX. Nhưng hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn khá mong manh, dù đã được cam kết bằng những văn bản pháp lý.
Toàn cảnh hội thảo |
Ông Ngô Thanh Lý - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Định, cho biết trên địa bàn đã có tình trạng vỡ chuỗi giá trị. Nguyên nhân là do khi có tư thương vào thu mua sản phẩm, người nông dân sẵn sàng dùng các sản phẩm có chất lượng để bán với tư thương và dùng các sản phẩm kém chất lượng giao dịch với doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đã có hợp đồng với người nông dân từ trước.
Ông Lý cho rằng, muốn ngăn được tình trạng này, chính quyền địa phương phải có các biện pháp hành chính bảo đảm cho chuỗi được vận hành đúng cam kết. "Từ đó doanh nghiệp mới cảm thấy yên tâm khi nhận được sự bảo hộ từ chính quyền", ông Lý nói.
Ngoài ra, chính quyền các cấp, nhất là các cấp cơ sở nên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, đẩy mạnh đưa các chính sách này đi vào cuộc sống.
"Hiện vẫn còn nhiều chính sách không đi vào cuộc sống, vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh", ông Nguyễn Ngọc Xuân - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết (Quảng Trị) nói.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị cũng nhìn nhận vấn đề lớn nhất để sản xuất lớn theo chuỗi hiện nay là dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Trong đó, vướng lớn nhất là về chính sách và về tư duy của người dân. Nếu thành công trong việc dồn điền đổi thửa sẽ tạo tiền đề cho sản xuất lớn gắn với chuỗi giá trị. Lúc đó sẽ tránh được tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa.
Hồng Nhung