Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 200 HTX nông nghiệp, trong đó, nhiều HTX phát huy được vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ cách làm, giúp các thành viên ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Liên kết để thoát nghèo
Tại thôn Tang Tong, xã Sơn Liên, từ năm 2020 đến nay, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã liên kết với người dân địa phương thành lập nhóm trồng ổi, bưởi thôn Tang Tong. Được HTX bao tiêu sản phẩm, các thành viên tham gia nhóm sản xuất đã mạnh dạn phát triển vùng chuyên canh ổi sạch 4ha, hiện đã cho thu hoạch bình quân 4 tấn/tháng. Sản phẩm này đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch và mã QR.
Ổi là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên. |
Điều quan trọng nhất là mô hình này đã mang lại thu nhập bình quân cho các thành viên của nhóm trồng ổi hơn 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định đối với người dân vùng cao.
Anh Đinh Văn Thiếu, ở thôn Tang Tong chuyển đổi 2ha đất trồng mì sang trồng ổi. Bình quân mỗi năm, anh Thiếu có thu nhập từ 160 - 200 triệu đồng. Theo anh Thiếu, kể từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, thu nhập của gia đình anh tăng gấp nhiều lần so với trồng mì. Ngoài ra, anh còn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng các thành viên khác trong tổ và được HTX hỗ trợ kỹ thuật, con giống và bao tiêu đầu ra cho nông sản.
“Từ khi tham gia vào HTX, gia đình tôi chẳng những thoát nghèo, thay đổi cuộc sống mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Khi vào mùa làm cỏ, thu hoạch ổi, tôi thuê từ 5 - 6 lao động, với mức 150 nghìn đồng/người/ngày”, anh Thiếu chia sẻ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sử dụng mạng xã hội như một kênh bán hàng chủ yếu. Thông qua mạng xã hội, những sản phẩm của HTX đã đến với nhiều khách hàng. Cùng với đó, nhiều kiến thức bổ ích về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản cũng được HTX tìm kiếm, chọn lọc và học hỏi trên môi trường mạng. Nhờ đó, doanh thu của HTX ngày càng tăng, lợi nhuận mang lại cho thành viên cao hơn so với trước đây".
HTX trở thành cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân
HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến (thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp, huyện Minh Long) cũng là một trong những HTX kiểu mới ở Quảng Ngãi, tạo luồng gió mới cho kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh nhờ sức trẻ, sự nhanh nhạy, có tư duy đổi mới dám nghĩ dám làm. Cách làm mới của những nông dân trẻ đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Kinh tế HTX đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. |
Đầu năm 2021, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến chính thức đi vào hoạt động nhằm tập hợp 17 thành viên cùng tham gia trồng chè xanh.
Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến Đinh Văn Khinh cho biết: “Cùng là chè xanh trồng tại Long Hiệp, nhưng giá bán tại mỗi thôn lại khác nhau, có khi chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng/bó. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ chè thực hiện nhỏ lẻ tại hộ gia đình, rồi bán qua thương lái, nên không chủ động được giá cả. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi mày mò tìm hiểu cách thức thành lập, vận hành HTX, để chủ động được đầu ra lẫn giá chè xanh cho các thành viên HTX và người dân địa phương”.
Dù chỉ mới đi vào hoạt động hơn một năm, nhưng HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến đã trở thành “cầu nối” giúp người dân Hà Bôi tiêu thụ sản phẩm chè xanh truyền thống ổn định và nâng cao thu nhập khoảng 20% so với trước đây.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX thu mua, tiêu thụ từ 3 - 5 tấn chè xanh thương phẩm. Đặc biệt là, sau khi tham gia vào HTX, nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng chè xanh.
“Trước đây, khi bán nhỏ lẻ tại nhà cho thương lái giá là 5.000 đồng/bó, còn bây giờ thông qua HTX, giá ở mức 6.000 - 7.000 đồng/bó. Sản lượng chè tiêu thụ hằng tháng thông qua HTX cũng tăng cao. Thấy được lợi ích từ HTX mang lại, tôi tham gia vào HTX, mở rộng thêm diện tích trồng chè xanh, đến nay gia đình tôi đã trả hết nợ và có của ăn của để”, ông Đinh Gôm (72 tuổi, thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp) chia sẻ.
"Bà đỡ" trong phát triển nông nghiệp
Số liệu từ Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến tháng 6/2023 toàn tỉnh có 243 HTX nông nghiệp; trong đó có 99% HTX đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Số HTX được xếp loại khá, tốt chiếm trên 42%, 54% HTX xếp loại trung bình, loại yếu chiếm 6%.
Năm 2022, doanh thu bình quân của HTX đạt 820 triệu đồng/HTX/năm; Lợi nhuận sau thuế của HTX nông nghiệp khoảng 45 triệu đồng 1 năm. Thu nhập bình quân từ lương của lao động làm việc thường xuyên tăng gấp 4 lần, từ 11 triệu đồng/năm (năm 2013) lên hơn 40 triệu đồng/năm (năm 2022).
Nổi bật là nhiều HTX do các tri thức trẻ thành lập có hiệu quả tạo sức lan tỏa ở vùng nông thôn. Ông Lê Hạnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hoạt động của HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo; thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, HTX là “bà đỡ” trong phát triển nông nghiệp nông thôn, là chỗ dựa cho nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới địa phương. Do đó, các địa phương phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX ở địa phương mình.
“Việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX không những nâng cao vai trò, hiệu quả của HTX mà còn là đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, HTX trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị tạo động lực cho các địa phương xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân”, ông Hiền nhấn mạnh.
Hoàng Hà