![]() |
Nghề nuôi ong hữu cơ ở Hữu Lũng đang cho hiệu quả cao |
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo thống kê, toàn huyện Hữu Lũng hiện có hơn 7.000 đàn ong, dẫn đầu ngành nuôi ong mật của tỉnh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Hữu Lũng và một số xã như Minh Sơn, Minh Tiến, Đồng Tân, Minh Hòa, Cai Kinh, Hòa Lạc… Hộ nuôi ít từ 30 – 40 đàn, hộ nuôi nhiều lên đến 200 – 250 đàn.
Có gần 15 năm phát triển mô hình nuôi ong mật, ông Nguyễn Hữu Sinh (huyện Hữu Lũng) hiện đang sở hữu gần 200 đàn ong mật, bình quân mỗi năm đưa ra thị trường 600 – 800 lít mật ong chất lượng cao. Với giá bình quân 200.000 đồng/lít, ông Sinh thu về 120 – 160 triệu đồng/năm.
“Mô hình nuôi ong cho thu nhập cao hơn làm nông đơn thuần 50 – 60%. Bên cạnh bán mật, tôi còn tổ chức nhân đàn ong giống để bán, với số lượng 40 – 50 đàn/năm, giá trung bình 0,8 – 1,4 triệu đồng/đàn. Nhờ có ong mật, tôi và nhiều hộ nuôi ong địa phương đã có nguồn thu nhập ổn định, làm giàu”, ông Sinh phấn khởi nói.
Năm 2018, sản lượng mật ong của toàn huyện Hữu Lũng đạt gần 40.000 lít. Đặc biệt, cùng với nuôi ong, nhiều hộ còn kết hợp bán đàn (ong giống) và dụng cụ nuôi ong cho các hộ mới bắt đầu “vào nghề” nuôi ong trên toàn tỉnh.
Mô hình nuôi ong theo chuỗi hàng hóa giúp nhiều hộ có thu nhập cao và ổn định từ 200 – 300 triệu đồng/năm, điển hình như hộ ông Đào Khắc Trường, thị trấn Hữu Lũng; hộ ông Nguyễn Văn Dũng, xã Minh Sơn; hộ ông Trần Văn Sính, xã Minh Sơn; hộ ông Hứa Đức Đô, xã Minh Tiến; hộ ông Nông Văn Thơm, xã Hòa Sơn….
![]() |
Bảo vệ môi trường là chìa khóa để nghề nuôi ong phát triển bền vững |
Định hướng đi bền vững
Đang cho thấy tiềm năng lớn, tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả bền vững, huyện Hữu Lũng đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các mô hình nuôi ong phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, cho biết: “Hiện nay, huyện có một chi hội nuôi ong. Ban đầu chi hội chỉ có 7 hội viên, nay đã phát triển lên gần 40 hội viên, tập hợp đông đảo những người nuôi ong trên toàn huyện để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau”.
Để nghề nuôi ong phát triển bền vững, thời gian tới, huyện sẽ chủ động phát triển các mô hình nuôi ong theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP gắn với bảo vệ môi trường.
Đối với kỹ thuật chọn nơi đặt ong, các hộ chọn địa điểm đặt thùng ong đảm bảo cách xa trường học, nơi có đông người qua lại, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, bệnh viện và xa hệ thống kênh mương thoát nước thải.
Các thùng ong đặt gần nguồn thức ăn, nước sạch, bóng râm và cách xa nguồn ô nhiễm về chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, khu vực phun thuốc trừ sâu, kho chứa chất trừ sâu, đặc biệt đảm bảo không bị phá hoại hay bị súc vật tấn công, không nguy hiểm do hỏa hoạn và lũ lụt.
“Việc đảm bảo môi trường xanh – sạch, với chất lượng không khí, đất, nước tiêu chuẩn, là đặc biệt quan trọng trong phát triển đàn ong, bởi nó quyết định đến chất lượng của mật, từ đó, nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường”, ông Lương Văn Bính nhấn mạnh.
Bên cạnh nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, huyện cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đặt bao bì cho sản phẩm mật ong; đăng ký tem truy xuất nguồn gốc và địa chỉ liên hệ của từng hộ sản xuất để góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ngoài ra, tại vùng sản xuất, huyện sẽ xây dựng tổ hợp tác, HTX, CLB nuôi ong, tăng cường liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hoá, cần đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu, hình thành hệ sinh thái bền vững.
Nhật Minh