Huyện Hàm Thuận Nam có 1.521 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 4,97%. Nhìn chung, đời sống kinh tế của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn hoàn toàn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, sản xuất bấp bênh dẫn đến hộ nghèo cao. Năm 2016, riêng tỷ lệ hộ nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vẫn là 23%.
Chú trọng hỗ trợ kỹ thuật
Để thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện đã chú trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo ở những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Hàm Thuận Nam đưa ra các giải pháp chủ yếu là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đi liền với đó là hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tạo thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Một điểm mà lãnh đạo huyện hàm Thuận Nam nhận thấy là nhiều hộ nghèo có đất phát triển sản xuất nhưng không biết trồng cây gì, con gì, phát triển kinh tế ra sao để mang lại hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, huyện đã tiến hành rà soát, thực hiện hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo các phương pháp thâm canh, xen canh để sử dụng có hiệu quả diện tích đất.
Việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập theo Nghị quyết 04 Tỉnh ủy cũng được thực hiện. Các dự án khuyến nông, lâm, ngư được ngành nông nghiệp triển khai nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề truyền thống cho người nghèo, cận nghèo.
Tại xã Hàm Mỹ, không ít hộ nghèo đã được tạo điều kiện học lớp sản xuất rau an toàn do UBND xã kết hợp với doanh nghiệp tổ chức. Đây là lớp học nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về kỹ thuật trồng rau sạch, từ đó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế, mở rộng quy mô trồng rau của gia đình góp phần nâng cao thu nhập.
Còn tại xã Hàm Chính, Hàm Minh, nhiều hộ dân đã được tham gia lớp trồng và chăm sóc thanh long để ứng dụng kỹ thuật sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Không ít hộ đã tham gia HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh, thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAp. Năng suất trung bình của thanh long sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật đạt 40 tấn/ha, tỷ lệ xuất khẩu đạt 70-80%,tổng sản lượng dành cho xuất khẩu gần 1000 tấn/năm. Hàng năm HTX cung cấp 400 tấn thanh long vào thị trường Anh (nước khó tính nhất khối EU).
Bên cạnh đó HTX Hàm Minh còn sản xuất theo tiêu chuẩn EUREPGAP nên việc người dân, thành viên HTX được đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất khoa học tạo điều kiện thuận lợi trong trồng trọt, thu hoạch, sơ chế. Hiện, HTX có một tổ gồm 23 người phụ trách việc chọn lựa, sơ chế và đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn EUREPGAP. Cả 23 người này đã được tập huấn về kỹ thuật và hoạt động theo đợt hàng được điều hành bởi nhân viên kinh doanh và người kiểm tra đóng gói.
Đẩy mạnh liên kết
Không chỉ hỗ trợ người dân kỹ năng sản xuất, huyện Hàm Thuận Nam còn đẩy mạnh hỗ trợ người dân liên kết, đảm bảo ổn định đầu vào và đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập cho người nghèo.
Ngay như trong phát triển cây thanh long, huyện chủ chương hỗ trợ người dân tham gia sản xuất theo chuỗi. Chính vì vậy, huyện đã thực hiện các dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long với quy mô liên kết hàng trăm ha.
Mô hình liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh với quy mô 26 ha/20 hộ. Liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của cơ sở thu mua thanh long Triều Bảo với Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn xã Mương Mán để thu mua sản phẩm với quy mô liên kết là 20 ha/15 hộ.
![]() |
Hỗ trợ kỹ thuật, vốn, liên kết là những việc cần thiết giúp hộ nghèo thuận lợi trong phát triển kinh tế. |
Ngoài ra còn có liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của cơ sở thu mua thanh long Bối Trác với HTX thanh long Quốc Cường để thu mua sản phẩm trên quy mô 30 ha/10 hộ.
Không chỉ nhận hỗ trợ từ ngành chức năng, không ít người dân, HTX trong huyện cũng chủ động đầu tư, phát triển sản xuất để tăng cơ hội liên kết với doanh nghiệp.
Tại HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm, ngoài trồng thanh long tươi, HTX còn đầu tư chế biến các sản phẩm từ thành long như mứt, bánh, siro, đặc biệt là tương thanh long… Điều này không chỉ nâng giá trị cho quả thanh long và còn giúp HTX tăng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.
Trái ngọt giảm nghèo
Những chuỗi liên kết này đã từng bước giúp ổn định đầu ra cho các hộ nông dân, tránh được tình trạng áp giá khi tới mùa vụ. Nông dân, thành viên HTX cũng áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao.
Từ đây, kinh tế xã hội của Hàm Thuận Nam ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng diện tích cây thanh long, đến nay huyện đã phát triển được 15.000 ha, là địa phương có diện tích cây thanh long nhiều nhất tỉnh Bình Thuận. Huyện cũng có các mô hình sản xuất thanh long quy mô lớn, đủ điều kiện xuất khẩu thông qua mối liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp.
Đặc biệt, huyện hình thành được nhiều mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Nổi bật như mô hình kết hợp nuôi gà đồi, heo lai, trồng dừa của HTX Thuận Minh Phát ở thôn Phú Nghĩa (xã Hàm Cường) phát triển trên diện tích 13 ha không chỉ cung cấp nông sản an toàn cho thị trường mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân lao động với thu nhập ổn định. Đồng thời HTX còn hỗ trợ con giống và kỹ thuật cho hộ nghèo có nhu cầu về nuôi gà, heo… để phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả.
Nhờ những mô hình kinh tế như vậy mà chỉ trong năm 2022, huyện có 12/50 hộ thoát nghèo, 1.554 lao động có việc làm. Có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng thụ các chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin.
Ông Trần Văn Lanh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết ngoài hỗ trợ liên kết sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo, huyện còn tập trung giải quyết vốn cho vay, bảo đảm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn, được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ.
Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo và truyền tải các thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều này không chỉ giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo nói chung mà còn giúp tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm rõ nét. Cụ thể như tại xã Mỹ Thạnh, nơ có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cũng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã đã có những tín hiệu tích cực về giảm nghèo.
Tính toán sơ bộ cho thấy, trong năm 2023, đã có 23 hộ trong xã thoát nghèo. Hiện toàn xã chỉ còn 171 hộ nghèo/594 khẩu, hộ cận nghèo 29 hộ/103 khẩu. Đây cũng là cơ sở để huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục triển khai những chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo trong năm 2024.
Tùng Lâm