Thôn An Hội có truyền thống trồng các loại rau màu như bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo, cà, ớt… (gọi chung là lagim). Tuy nhiên, trước đây, người dân chỉ sản xuất theo phương pháp truyền thống, chăm bón theo kinh nghiệm và lạm dụng phân thuốc nên hiệu quả chưa cao, đất đai nhanh thoái hóa. Tổ hợp tác (THT) trồng lagim An Hội được thành lập và đi vào hoạt động đã mang luồng gió mới làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trong sản xuất lagim.
Thay đổi phương pháp
Trên diện tích 8 ha do 8 thành viên dồn điền đổi thửa, THT đã hướng dẫn thành viên cách trồng lagim theo hướng an toàn. Các hộ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất: Không sử dụng hóa chất, phân hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Ban đầu, khi mới được phổ biến phương pháp sản xuất này, các thành viên đều cảm thấy không chắc chắn, mơ hồ, chưa hình dung ra được là sẽ làm như thế nào. Vì vậy, khi THT mới đi vào hoạt động, các hộ chỉ dám đăng ký làm thử nghiệm với diện tích khoảng 100- 200m2/hộ .
Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình việc thực hiện các quy trình chăm sóc như ủ phân compost, bắt sâu bằng tay, sử dụng phân thuốc, cách nhận biết dịch bệnh… các thành viên bắt đầu cảm thấy cuốn hút và làm theo.
![]() |
Trồng lagim theo phương pháp mới giúp nâng cap chất lượng nông sản và đất đai thêm màu mỡ. |
Kết thúc vụ rau đầu tiên, diện tích rau áp dụng theo phương thức sản xuất an toàn phát triển tốt, không thấy xuất hiện sâu bệnh hại. Rau mặc dù không xanh mướt như trước đây canh tác theo cách thông thường nhưng khi ăn có vị đậm đà hơn, bảo quản được lâu hơn và đặc biệt là không phải pha chế thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu bệnh, độc hại cho người sản xuất và ô nhiễm môi trường. Kể từ đó, các thành viên mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng rau an toàn, sau đó mở rộng lên mỗi hộ 1 ha.
Khi được hỏi về hiệu quả kinh tế mang lại từ phương pháp này, chị Thái Thị Bích Lệ, thành viên THT, cho biết chị đã trồng bầu và khổ qua. Trung bình cứ sau 3 tháng, cây cho thu hoạch. Lúc trái rộ, mỗi ngày gia đình chị thu được từ 7 - 8 tạ bầu và 1 tạ khổ qua, bán được 6 - 7 triệu đồng.
Chị Mai Thị Mỹ Lệ, Tổ trưởng Tổ liên kết trồng lagim, cũng cho biết: Vụ này, gia đình chị chỉ trồng hơn 2 sào ớt nhưng thu nhập lại rất khá. Hiện, giá ớt cuối vụ tăng cao và từ 42.000 - 45.000 đồng/kg, chị thu được từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Được biết từ những kết quả đã đạt được, hầu hết các chị em trong THT trồng lagim An Hội đều vui vì vừa được mùa được giá, có thu nhập ổn định hàng tháng từ 15 - 20 triệu đồng.
Nâng cao nhận thức
Cũng trên diện tích này, trước đây khi canh tác theo cách thông thường, do chủ yếu là sử dụng phân bón hóa học nên cây mặc dù rất xanh tốt nhưng lại không bảo đảm chất lượng. Rau quả chỉ cho thu hoạch 2 - 3 lứa là cây tàn. Trong khi THT trồng theo phương pháp mới, cây mặc dù không xanh đậm nhưng đổi lại khỏe mạnh, cứng cáp, cho nhiều lứa thu hoạch và hầu như không bị chết rục. Khi đưa ra thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Nếu như trước đây khi trồng rau hễ cứ phát hiện có sâu bệnh là chị lại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ. Trong khi với phương pháp canh tác mới vừa an toàn cho con người, vừa bảo vệ được môi trường. Vì vậy mà đất đai ngày một tơi xốp”, chị Mai Thị Mỹ Lệ, chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả của mô hình, hằng năm, THT phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ môi trường, phương pháp sản xuất an toàn... qua đó, giúp thay đổi hành vi, phương thức canh tác như: Không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; không vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, bừa bãi.
![]() |
Người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường khi cùng nhau liên kết sản xuất. |
Đi vào hoạt động được gần 3 năm, đến này mô hình THT trồng lagim An Hội được người dân, các thành viên tiếp cận kiến thức về phát triển kinh tế tập thể, đảm bảo an toàn thực phẩm, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Qua đó, tăng tính cạnh tranh và giá trị của sản phẩm.
Mặt khác, việc liên kết còn gắn kết chị em trong việc tương trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ; tạo việc làm ổn định và điều kiện cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương xã Bình Tân sẽ nhân rộng mô hình, mở rộng thêm diện tích, đặc biệt là tuyên truyền người làm vườn thực hiện theo đúng tiêu chuẩn rau sạch để tạo đầu ra ổn định. Đây thực sự là hướng đi bền vững, giúp chị em phụ nữ làm kinh tế giỏi, thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương mình.
Tùng Lâm