Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, giai đoạn 2003-2018 có 618 HTX dịch vụ vệ sinh môi trường được thành lập, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 50%. Đến năm 2020, cả nước có khoảng 479 HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số HTX trên cả nước.
Còn nhiều lực cản
Các HTX dịch vụ môi trường tham gia nhiều công đoạn từ khâu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn hoặc chỉ vận chuyển chất thải. Trong số các HTX thu gom rác thải, có đến 53% số HTX chỉ cung cấp các dịch vụ cho các hộ gia đình; 32% số HTX vừa cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình, vừa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trên cùng địa bàn.
Các địa phương có số lượng lớn HTX hoạt động trong lĩnh vực này là Hà Tĩnh: 149 HTX, Vĩnh Phúc: 63 HTX, Đồng Nai: 55 HTX, TP. HCM: 48 HTX, Tiền Giang: 21 HTX và Bình Dương: 14 HTX. Các địa phương khác có trung bình từ 3-4 HTX. Nhiều HTX dịch vụ môi trường hoạt động hiệu quả như: HTX môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX môi trường thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), HTX vệ sinh môi trường An Châu (Bắc Giang)…
Nhìn chung, các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường đã thu gom 60-70% lượng rác thải trên từng địa bàn. Ngoài việc đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn tại nơi hoạt động, các HTX này còn phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn…
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường còn có những khó khăn nhất định. Trong đó khó khăn lớn nhất của các HTX là thiếu vốn hoạt động.
Chẳng hạn như tại HTX vệ sinh môi trường Thu Xang (Kinh Môn, Hải Dương) đang thực hiện thu gom rác thải cho khoảng 2.000 hộ dân ở 6 khu dân cư. Có doanh thu hàng năm là hơn 1 tỷ đồng, nhưng theo ban giám đốc HTX, lợi nhuận thu được rất khiêm tốn, chỉ đủ trả lương thành viên và công nhân. Số còn lại HTX dùng để mua nhiên liệu, sửa chữa tài sản cố định…
Đặc điểm của các thiết bị, dụng cụ làm vệ sinh môi trường rất nhanh xuống cấp nên việc đầu tư phải thường xuyên trong khi nguồn thu phí vệ sinh môi trường quá ít nên không đủ bù đắp. Điều này khiến hoạt động HTX và người lao động luôn ở trong điều kiện khó khăn.
HTX dịch vụ vệ sinh môi trường được đánh giá là phù hợp với điều kiện ở nhiều vùng miền ở nước ta. |
Khó khăn của HTX Thu Xang cũng là khó khăn chung của nhiều HTX vệ sinh môi trường hiện nay. Thiếu vốn nhưng việc huy động vốn của các HTX vệ sinh môi trường cũng không được thuận lợi.
Chia sẻ với Vnbusiness, bà Đoàn Thị Mơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX môi trường và dịch vụ Thành Vinh (Hải Phòng), cho biết một số thành viên, nhất là những người trong ban quản trị rất muốn đầu tư thêm vốn để phát triển HTX. Thế nhưng trong Luật HTX năm 2012 quy định thành viên góp vốn không quá 20% khiến HTX khó bổ sung nguồn vốn cho HTX.
“HTX chúng tôi hoạt động được hay không liên quan đến phần lớn trách nhiệm của những người đứng đầu HTX. Nếu quy định góp vốn không quá 20% sẽ khiến giám đốc, phó giám đốc HTX không thể tăng nguồn vốn đầu tư cho HTX”, bà Mơ chia sẻ.
Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX lại thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể về bảo vệ môi trường để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên ngoài một số quy định về chính sách như Luật HTX năm 2012 còn chưa phù hợp thực tiễn thì theo các chuyên gia, còn do trình độ tổ chức quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường của cán bộ HTX còn chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của các HTX trong bối cảnh hội nhập.
Việc phối hợp giữa HTX với các cấp ngành ở địa phương cũng chưa được chặt chẽ nên chưa tận dụng được hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ngành tại địa phương còn hạn chế nên chưa có các chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX trong công tác bảo vệ môi trường. Trong khi phần lớn HTX hiện nay có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn lực nên ít có điều kiện để đầu tư đúng mức vào công tác bảo vệ môi trường.
Tạo động lực từ nhiều phía
Mô hình HTX dịch vụ vệ sinh môi trường thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân. Mô hình này cũng là nơi tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là cho người nghèo.
Theo đại diện các HTX môi trường, sẽ rất khó để các HTX này có thể hoạt động bền vững nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc đưa ra những cơ chế hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, công nghệ xử lý rác thải…
Theo các chuyên gia, trong 10 năm tới, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường sẽ được các quốc gia ưu tiên hàng đầu. Kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một phương thức tiếp cận để thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững.
Mô hình HTX vệ sinh môi trường còn có những khó khăn nhất định cần sự chung tay của các bộ ngành để tháo gỡ. |
Nhằm hạn chế áp lực cho các HTX vệ sinh môi trường, việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp hạn chế chất thải, giải quyết hài hòa bài toán kinh tế và môi trường. Trong đó phát triển các tổ liên kết hoặc các liên hiệp hợp tác xã nông-công nghiệp- dịch vụ công nghệ cao- dịch vụ môi trường sẽ là hướng đi thích hợp để các HTX hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của HTX môi trường.
Bên cạnh đó, cần phát triển HTX dịch vụ môi trường dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương. Điều này sẽ khuyến khích được các chính sách đặc thù của từng địa phương để phục vụ công tác bảo vệ môi trường.
Hiện nay, đã có địa phương làm rất tốt công tác hỗ trợ HTX dịch vụ môi trường. Tiêu biểu như Hà Tĩnh đã tập trung hỗ trợ các HTX kinh phí mua xe chuyên dùng vận chuyển rác, hỗ trợ một lần mua xe chở rác đẩy tay, thùng đựng rác; hỗ trợ mua chế phẩm sinh học xử lý mùi tại các khu vực tập kết rác thải sinh hoạt…
Nhằm mở rộng nguồn vốn cho các HTX môi trường, ngoài sửa đổi Luật HTX năm 2012 cần đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường, bao gồm: các nguồn vốn từ các chương trình dự án do các bộ ngành, địa phương quản lý; hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân… Từ đó sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển các mô hình HTX môi trường hiệu quả. Song song với đó là hỗ trợ chuyển giao công nghệ về xử lý và thu gom rác thải cho các HTX nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường.
Như Yến