Số liệu thống kê của UBND xã Hồ Sơn cho thấy, tính đến nay, tổng diện tích trồng rau su su trên toàn xã đạt trên 73 ha, với gần 700 hộ nông dân tham gia sản xuất. Trong đó, vùng quy hoạch là 45 ha trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, còn lại là các diện tích nhỏ lẻ, xen kẽ với các loại cây trồng khác.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất
Đang canh tác hơn 1,5 mẫu ruộng trồng rau su su, ông Trần Quang Thuận, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp thôn Đồng Thanh cho biết, Tam Đảo có nền nhiệt thấp, khí hậu mát mẻ, điều kiện thổ nhưỡng tốt, nên đặc biệt thích hợp cho cây su su phát triển, mẫu mã đẹp, vị ngon, ngọt đặc trưng.
Su su Hồ Sơn được trồng theo quy trình chuẩn hữu cơ (Ảnh TL). |
Cùng với thị trường nội địa, rau su su Hồ Sơn còn được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Dù chưa có những hợp đồng cố định, song đây là một trong những “cánh cửa” giúp rau su su có thị trường tiêu thụ rộng hơn, giá bán ổn định và mang lại thu nhập cao hơn cho các hộ sản xuất.
Nhờ chất lượng vượt trội, những năm qua, thị trường tiêu thụ sản phẩm rau su su ở Hồ Sơn đang khá thuận lợi. Ở trong nước, rau su su không chỉ tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, mà còn đưa đến các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống ở TP Hà Nội.
“Năm 2020, gia đình tôi đạt hơn 110 triệu đồng lợi nhuận. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thị trường trong nước ổn định, tôi vẫn dự kiến thu về 6 - 7 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí”, ông Trần Quang Thuận phấn khởi nói.
Theo ông Thuận, để su su được mùa, được giá, ông và các thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp thôn Đồng Thanh đã chủ động chuẩn hóa quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới.
Điển hình, trong canh tác, các hộ loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường.
Việc loại bỏ cỏ dại được tiến hành thủ công bằng tay, hoặc sử dụng máy cắt. Các loại bao bì, vỏ chai lọ nhựa phát sinh trong quá trình sản xuất cũng được các hộ thu gom, xử lý đúng quy định.
Thêm các chính sách hỗ trợ
UBND xã Hồ Sơn cho biết, nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, mô hình trồng su su có thể khai thác ngọn trong thời gian 6 - 7 tháng, cho giá trị kinh tế trung bình hơn 180 triệu đồng/ha/năm. Theo đó, giá trị kinh tế của cây su su cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa trong cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng chân núi Tam Đảo.
Mô hình đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao (Ảnh TL). |
Để có được thành công như vậy, thời gian qua, các ban ngành nông nghiệp huyện Tam Đảo đã đẩy mạnh hỗ các hộ trên địa bàn xã sản xuất su su theo hướng hữu cơ.
Cụ thể, UBND huyện đã chủ động phối hợp cùng địa phương, HTX, tổ hợp tác, và các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ sản xuất trên địa bàn xã nắm chắc quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn an toàn, thân thiện môi trường.
Xã cũng đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng các điểm ủ phân ngay tại chân ruộng; cứng hóa hệ thống giao thông nội đồng theo chuẩn nông thôn mới giúp nông dân dễ dàng vận chuyển phân bón, sản phẩm.
Với những thành công đang có, để thúc đẩy kinh tế phát triển với mũi nhọn từ cây su su, thời gian tới, UBND xã Hồ Sơn sẽ tích cực vận động, hỗ trợ các nông hộ áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ, khuyến khích dồn thửa đổi ruộng tạo nên các vùng sản xuất tập trung, từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc.
Hưng Nguyên