Nói đến Tây Giang - huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Nam, là phải nhắc đến một trong những cây dược liệu nổi tiếng là đẳng sâm. Thương hiệu đẳng sâm Tây Giang còn được gọi là loại nhân sâm của đồng bào nghèo ở 4 xã vùng cao gồm Tr’Hy, Axan, Ch’Ơm và Ga Ri.
“Liều thuốc” đến từ cây dược liệu bản địa
Trong huyện có HTX Nông dược - Trường Sơn Xanh (đóng tại xã A Tiêng) vốn nổi tiếng với sản phẩm cao đẳng sâm và đẳng sâm sấy dẻo, hiện đang tích cực hỗ trợ đồng bào Cơ Tu trồng cây đẳng sâm ở 2 xã Ga Ri và Ch’Ơm. Mỗi năm, HTX liên kết, thu mua trên 30 tấn đẳng sâm giúp bà con ở hai xã này. Ngoài ra, HTX còn mở rộng liên kết với hơn 20 hộ dân ở các xã A Tiêng, Lăng, Ch'Ơm, Ga Ri để xây dựng vùng nguyên liệu 20ha đẳng sâm.
![]() |
Cây đẳng sâm còn được gọi là là loại nhân sâm của đồng bào nghèo ở Tây Giang. |
Đến nay, HTX Nông dược - Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ người dân ở Tây Giang chế biến các sản phẩm như cao đẳng sâm, sâm hầm gà, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm… đưa ra thị trường tiêu thụ. Quy trình để tạo ra sản phẩm được giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao.
Theo ông Vũ Văn Khải, Giám đốc HTX, sắp tới HTX mở rộng thị trường và đưa ra một số sản phẩm đẳng sâm mở rộng thị trường để tạo việc làm cho bà con địa phương. Sản phẩm đạt OCOP 3 sao giúp thuận lợi trong xúc tiến thương mại. Sâm hiện đang phát triển ổn định, sản phẩm của bà con địa phương đều được thu mua, không phải lo đầu ra.
Cùng với HTX nêu trên, tính đến nay, huyện Tây Giang có 12 HTX và 50 tổ hợp tác phát huy hiệu quả trong việc tạo chuỗi liên kết, phát triển các sản phẩm OCOP đang ổn định đầu ra, nâng tầm dược liệu địa phương. Các HTX, tổ hợp tác này còn giúp giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Hơn nữa, cây ba kích và đẳng sâm được xác định là cây dược liệu quý của Tây Giang. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ các HTX phát huy thế mạnh của các loại cây này.
Đơn cử như HTX nông dược và du lịch Lộc Trời (ở xã Tr’Hy, Tây Giang) hồi năm 2024 đã phát triển thêm 5ha ba kích, nâng tổng diện tích dược liệu của HTX lên 20ha. Đây là đơn vị chủ lực trong việc tạo chuỗi liên kết sản xuất cho hơn 20 hộ dân tại xã Tr’Hy.
HTX là “bà đỡ”
Như chia sẻ của ông Bling Miêng, Giám đốc HTX nông dược và du lịch Lộc Trời, khi không còn lo lắng đầu ra cho dược liệu, người dân sẽ yên tâm phát triển, siêng năng lao động để thoát nghèo. Vài hộ dân trong chuỗi liên kết còn chủ động thay thế diện tích trồng keo, sắn sang trồng quế kết hợp dược liệu. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trồng ba kích dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế, vừa bảo vệ rừng.
![]() |
Vùng miền núi Tây Giang sẽ thay da đổi thịt nhờ vào sức bật của các HTX trồng cây dược liệu bản địa. |
Ngoài ra, có thể kể sản phẩm trà đẳng sâm túi lọc của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang; đẳng sâm ngâm mật ong của HTX Dược liệu Đức Huy; táo mèo sấy khô Tây Giang của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, tinh dầu sả Java Tây Giang của HTX Dược liệu và Nông sản sạch Cách mạng xanh.
Có thể nói, với việc trồng cây dược liệu và có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, không chỉ là hướng đi giúp bà con đồng bào thiểu số ở Tây Giang xóa đói giảm nghèo, đời sống khấm khá mà còn góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai và bảo vệ rừng ở vùng miền núi này.
Trong đó, cần phải ghi nhận hoạt động của HTX trồng cây dược liệu bản địa đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho huyện miền núi Tây Giang. Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế cây dược liệu ở nơi đây, lan tỏa sản phẩm dược liệu bản địa đến với thị trường trong và ngoài nước.
Và với vai trò “bà đỡ”, các HTX dược liệu ở Tây Giang đã đưa đẳng sâm, ba kích, táo mèo trở thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của người dân đang thay đổi tích cực, từ trồng để sử dụng, chú trọng số lượng và canh tác truyền thống thì nay đã chuyển hướng sản xuất ra để bán, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt cây dược liệu.
Hơn thế nữa, cần ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đối với các HTX trồng dược liệu ở Tây Giang. Đặc biệt là trong việc tích cực hỗ trợ các HTX thành viên xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và liên doanh, liên kết, hợp tác. Hỗ trợ HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm địa phương. Qua đó, HTX có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức khác nhằm ký kết các hợp đồng liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu của HTX.
Ngoài ra, thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng và thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền cho các HTX trồng dược liệu ở Tây Giang hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình mới có tính chất bền vững. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng và nghiệp vụ kiểm soát cho cán bộ HTX và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thay đổi diện mạo đời sống đồng bào
Đáng ghi nhận là ngày càng nhiều bà con dân tộc thiểu số trong huyện Tây Giang tham gia làm thành viên các HTX để cùng nhau liên kết sản xuất vươn lên thoát nghèo. Các HTX tổ hợp tác dược liệu đã tích cực hỗ trợ thành viên từ khâu giống, kỹ thuật chăm sóc, phân bón và tìm đầu ra cho sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị cho cây dược liệu.
![]() |
Hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể từ việc trồng cây dược liệu bản địa sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tây Giang. |
Ông Riah Ka, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Giang, cho biết có những HTX đã thu về 500 - 600 triệu đồng nhờ trồng đẳng sâm, nhờ đó mà nhiều hộ gia đình là thành viên HTX có thu nhập tương đối ổn. Cách nghĩ, cách làm đã thay đổi đã làm cho hiệu quả chất lượng được nâng lên rõ rệt.
Nhìn từ việc phát triển cây dược liệu bản địa với vai trò “bà đỡ” của HTX sẽ thấy đây là điều rất quan trọng sẽ góp phần đắc lực vào giảm nghèo ở Tây Giang. Nhất là khi tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi này còn cao, tỷ lệ trên 40%.
Tính đến nay, huyện Tây Giang có 2.468 hộ nghèo với 10.351 nhân khẩu (chiếm 43,16%). Theo giới chuyên gia, để giảm nghèo hiệu quả hơn nữa, huyện nên tập hợp đồng bào tham gia sản xuất vào sản phẩm thế mạnh là cây dược liệu bản địa. Hơn nữa, việc thành lập một số mô hình HTX trồng cây dược liệu cần được chính quyền quan tâm hỗ trợ nhiều hơn trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ.
Các HTX trồng cây dược liệu ở Tây Giang một khi đã mở rộng sản xuất thì cần tạo việc làm cho bà con địa phương nhằm tham gia vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động. Hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thay đổi diện mạo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Giang.
Do đó, thời gian tới, huyện Tây Giang cần tiếp tục củng cố, đổi mới mô hình HTX trồng cây dược liệu cả về tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này nhằm đem lại lợi ích cho thành viên, hộ nông dân và không ngừng tích lũy cho kinh tế tập thể, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở huyện miền núi biên giới này.
Thanh Loan