Ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời gần đây đã triển khai Dự án cải tạo vườn chuối định hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô 10 ha, 20 hộ dân tham gia thực hiện.
Điểm sáng ở xã Trần Hợi
Mục tiêu của dự án này là nhằm nâng cao hiệu quả cây chuối, tăng thu nhập cho nông dân từ 10-15% so với sản xuất bình thường, tăng lợi nhuận cho các HTX tham gia thực hiện từ 10-15% sau khi chế biến chuối hữu cơ. Nhất là liên kết giữa nông hộ, HTX với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chuối, chế biến thành các sản phẩm hữu cơ.
Ở xã Trần Hợi đang thúc đẩy liên kết trồng chuối theo chuỗi giá trị nhằm giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. |
Ông Trần Văn Tửu, ngụ ở ấp 10B, xã Trần Hợi, cho biết đã mạnh dạn tham gia thực hiện dự án. Qua hơn 1 tháng thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, đến nay vườn chuối với diện tích 2 ha của gia đình đang trong quá trình phát triển tốt.
Theo ông Tửu, các hộ trồng chuối trong xã khi tham gia đều hiểu rõ mục đích và yêu cầu của dự án, từ đó tích cực thực hiện để vườn chuối gia đình đạt năng suất và chất lượng sản phẩm chuối đạt yêu cầu của các đơn vị thu mua. Không những thế, các hộ dân lân cận đã đến tham quan, tìm hiểu cách canh tác mới này.
Lãnh đạo UBND xã Trần Hợi cho biết các hộ tham gia dự án tuân thủ tốt mục tiêu dự án, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, đồng thời tạo uy tín để liên kết chuỗi giá trị. Từ đó, nhân rộng mô hình hiệu quả nhằm giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người trồng chuối trên địa bàn xã, góp phần phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Chuối xiêm sinh thái - Cà Mau”.
Trong xã Trần Hợi hiện có khoảng 250 ha chuối. Người trồng chuối ở xã có thu nhập khá tốt, cải thiện cuộc sống gia đình. Chính quyền xã luôn vận động, khuyến khích người dân tận dụng bờ liếp để trồng chuối tăng thu nhập, cũng như tham gia vào HTX, tổ hợp tác. Trong xã còn nổi tiếng với làng nghề ép chuối khô thu hút khoảng 150 hộ góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Sản lượng chuối khô do làng nghề làm ra khoảng 400 tấn/năm.
Ngoài ra, ở xã Trần Hợi còn có HTX nông nghiệp cá khô bổi Tư Hùng nổi tiếng với sản phẩm cá khô bổi đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm này vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận là một trong 37 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023.
Hàng năm, HTX này cung ứng hàng trăm tấn cá khô bổi, cao điểm tiêu thụ là dịp lễ, tết cuối năm, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động, góp phần vào giảm nghèo ở địa phương.
Hiệu quả liên kết trồng trái cây sạch
Bên cạnh xã Trần Hợi, từ những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của HTX, tổ hợp tác, đã và đang giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, yên tâm về đầu ra và tăng thu nhập, thoát cảnh khó. Nhờ có kế hoạch, hướng đi rõ ràng, cụ thể, nhiều HTX tổ hợp tác ngày càng phát triển lớn mạnh, là chỗ dựa cho các thành viên.
HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng đang thành công với những vườn bưởi da xanh được thực hiện theo hình thức hữu cơ. |
Đơn cử như HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng ở ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) đang thành công với những vườn cây ăn trái được thực hiện theo hình thức hữu cơ. Hiện nay, một số sản phẩm trái cây của HTX đã có mặt ở nhiều nơi và đang hướng tới bày bán tại các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài tỉnh Cà Mau.
HTX này được thành lập cách đây 4 năm, với 17 thành viên, đã và đang là “điểm tựa” cho những nông dân tham gia vào HTX. Các yếu tố về giống, phân bón, kỹ thuật trồng trọt…của các thành viên đều được định hướng và thống nhất theo quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên tổng diện tích 25ha đất trồng bưởi của HTX, với kỹ thuật trồng hợp lý, trung bình mỗi ha thu hoạch được 1 tấn/năm.
Ông Lưu Văn Hoàng, ở ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng, thành viên của HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất không tập trung, cứ thấy giống cây nào mới, lạ là thực hiện, không có kế hoạch, và hướng đi rõ ràng, dẫn đến hiệu quả không cao. Nhưng từ khi tham gia vào HTX, việc sản xuất đều có kế hoạch cụ thể. Các loại trái cây đều phải được thực hiện theo hình thức hữu cơ. Có tổ chức lo cho mình về giống, kỹ thuật và tìm đầu ra nên hoạt động sản xuất của gia đình tôi ổn định hơn”.
Còn theo bà Trần Thị Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng, trước khi thành lập HTX, các thành viên mỗi người trồng một kiểu, nhỏ lẻ, bấp bênh về đầu ra, năng suất và hiệu quả không cao. Từ khi liên kết lại thành một tổ chức, hiệu quả tăng lên.
“Hồi năm 2022 bưởi da xanh ruột hồng của HTX được chứng nhận 3 sao OCOP của tỉnh. Từ đó, càng khẳng định chất lượng nông sản của HTX, tạo thêm niềm tin và động lực cho các thành viên trong HTX tiếp tục duy trì mô hình sản xuất này. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tin vào hoạt động của HTX, các thành viên đều nỗ lực và kiên trì vượt qua”, bà Việt Anh nói.
Trong quá trình giúp cho người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, huyện Trần Văn Thời được xem là “điểm sáng” của tỉnh Cà Mau trong việc triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Ðến nay, huyện đã có 11 sản phẩm OCOP 3 sao của 9 cơ sở và HTX, được thị trường ưa chuộng.
Giúp nông dân đổi mới từ tư duy đến cách làm
Đơn cử như xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) có hai sản phẩm OCOP 3 sao là sản phẩm Gạo sạch Toàn Tâm của HTX Minh Tâm và sản phẩm Mắm ruốc xào 9 Thúy của HTX Nông Thịnh Phát.
Huyện Trần Văn Thời được xem là “điểm sáng” của tỉnh Cà Mau trong việc triển khai thực hiện chương trình OCOP, từ đó giúp dân thoát nghèo bền vững. |
Là người mạnh dạn đưa sản phẩm mắm ruốc xào của một số ngư dân trong HTX tham gia sản phẩm OCOP và đạt chuẩn OCOP 3 sao, ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông Thịnh Phát, cho biết điều này giúp cho đặc sản xứ biển nâng cao giá trị. Thời gian tới, ngoài mặt hàng mắm ruốc xào, HTX sẽ đưa mặt hàng cá cơm tham gia vào chương trình OCOP.
Bởi lẽ, như chia sẻ của ông Khiêm, vì vùng biển Khánh Bình Tây bên cạnh món ruốc còn có mặt hàng cá cơm nhiều vô số. Nếu HTX chế biến cá cơm tươi thành các mặt hàng khác, tham gia chương trình OCOP sẽ giúp sản phẩm tiêu thụ mạnh hơn, nâng cao giá trị, tạo thêm việc làm, giảm nghèo cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Từ sức phát triển của các HTX thông qua sản phẩm OCOP, theo lãnh đạo UBND xã Khánh Bình Tây, điều đó góp phần giúp cho đời sống người dân trong xã được nâng lên, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua chính quyền xã này đã hỗ trợ những hộ nghèo có khả năng thoát nghèo tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để họ có động lực, cơ hội thoát nghèo bền vững. Nhất là với đầu ra của các sản phẩm OCOP trong xã ngày càng tăng lên càng giúp cho họ thêm chí thú làm ăn.
Tính đến nay, toàn huyện Trần Văn Thời có 42 HTX hoạt động dịch vụ nông nghiệp với 910 thành viên. Có một số HTX đã tạo được chuỗi liên kết khá tốt như: HTX Kinh Dớn, HTX Đồng Thuận ở xã Khánh Bình Tây Bắc; HTX Minh Tâm ở xã Khánh Bình Tây; HTX Minh Hà ở xã Khánh Bình Đông, HTX Thuận Lợi ở xã Phong Lạc. Bên cạnh đó, toàn huyện còn có 366 tổ hợp tác với 6.347 thành viên.
Từ sức sống mới của khu vực kinh tế hợp tác đã góp phần giúp thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Trần Văn Thời hiện đạt trên 53 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở huyện còn chiếm 2,45%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 1,45%. Để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra, rất cần huyện Trần Văn Thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc chú trọng phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với “cầu nối” HTX, tổ hợp tác. Ðiều này cũng đòi hỏi các hộ nông dân nghèo cần phải tự đổi mới mình, đổi mới từ tư duy đến cách làm, thích ứng với xu thế phát triển, để cùng các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp bước sang giai đoạn mới vững vàng hơn.
Thanh Loan