Hỗ trợ sinh kế được xem là giải pháp hữu hiệu để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình sinh kế đã góp phần tạo việc làm, giúp người nghèo tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại huyện Đắk Glong.
Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đắk Glong luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 của vùng Tây Nguyên
Để công tác giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả, huyện Đắk Glong đã căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương đề ra những giải pháp thích hợp.
Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, những năm vừa qua, công tác giảm nghèo tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2022, toàn huyện Đắk Glong còn 4.720 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 26,72% (vượt kế hoạch 0,73%).
Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm ấn tượng như: Đắk Plao (gần 22%), Quảng Hòa, Đắk R’măng (trên 20%), Đắk Som (hơn 17%), Đắk Ha (gần 15%)…
Vườn trồng su su của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha đạt doanh thu lên đến 150 triệu/ha/tháng, thu hoạch từ 3 - 6 tháng. |
Huyện phấn đấu 100% số hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập, các dịch vụ xã hội cơ bản được tiếp cận với các nguồn vốn vay, đào tạo nghề, các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để đạt được kết quả này, huyện đang tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư vào các mô hình sinh kế thông minh, phù hợp, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX được xem là giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi.
Các HTX trên địa bàn huyện Đắk Glong đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp, được xem như “chìa khóa” giúp thoát nghèo bền vững.
Gắn kết với mô hình kinh tế tập thể
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa người dân và HTX ở xã Đắk Ha đang từng bước lớn mạnh, trở thành “điểm sáng” về phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều năm nay, kinh tế của gia đình bà Vũ Thị Nhung, ở thôn 1, xã Đắk Ha hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp. Ngoài trồng cây dài ngày, bà trồng thêm các cây ngắn ngày, cung cấp sản phẩm cho các chợ trong xã và vùng lân cận.
Gia đình bà Nhung chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật canh tác, nên năng suất, chất lượng các loại cây ngắn ngày khá ổn. Nhưng do sản xuất tự phát, tự tìm đầu ra, nên giá cả bấp bênh. Có vụ hoa màu cho thu nhập ổn, nhưng cũng không ít vụ thua lỗ nặng.
Hai năm nay, bà Nhung tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha. Bà tham gia trồng các loại cây mà HTX chuyên canh như: cà tím, cà chua, bí ngòi, su… Những vụ rau liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình bà.
“Chúng tôi được HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc. Từ đó, năng suất tốt, được HTX thu mua, không phải lo lắng vấn đề tiêu thụ sản phẩm, thu nhập gia đình rất ổn định. Mỗi năm thu nhập được vài trăm triệu, gia đình tôi trả được nợ ngân hàng và bắt đầu có tích lũy”, bà Nhung cho hay.
Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Đắk Ha đã liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha. Khi liên kết, người dân được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết đầu ra sản phẩm ổn định.
Đến nay, HTX đã phát triển lên 30 thành viên chính thức với mức lương khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng và hơn 25 hộ liên kết với vùng nguyên liệu rộng hơn 100ha. Ngoài trồng các loại củ quả, HTX đang sản xuất nhãn hương chi, sầu riêng, cà tím, bí đỏ, bắp cải, củ cải…
Mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường trên 200 tấn rau, củ, quả các loại. Toàn bộ sản phẩm đều được ký kết cung ứng cho nhiều đối tác trong, ngoài tỉnh như TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Phước... Trong đó, gần 30% sản lượng rau, củ, quả của HTX đã được bán vào hệ thống Saigon Co.op với giá cao gấp đôi so với thị trường.
Theo ông Đặng Văn Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, nông nghiệp là trụ cột kinh tế. Nhưng tại nhiều nơi ở Đắk Glong nói riêng, cả nước nói chung, sản xuất nông nghiệp tự phát, thiếu sự liên kết.
Ở vùng đất có điều kiện thuận lợi như Đắk Ha, HTX đóng vai trò chủ thể trong việc tập hợp hàng hóa, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị sản xuất. Các thành viên trong HTX và người dân liên kết có trách nhiệm sản xuất theo quy chuẩn, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
“Trước mắt, chúng tôi là phát triển thêm thành viên để liên kết, tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất quy mô, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Về lâu dài, HTX sẽ tiến tới việc chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho các nông sản mang thương hiệu Đắk Nông”, ông Hương kỳ vọng.
Phát triển bền vững cùng nông nghiệp sạch
Còn ở xã Quảng Sơn (với 70% dân số là đồng bào thiểu số) có HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sang's Farm được xem là HTX điển hình của Đắk Glong.
Mô hình trồng bưởi VietGAP của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sang's Farm. |
Năm 2021, HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sang's Farm ra đời với 7 thành viên và 14 hộ liên kết.
Anh Ngô Thanh Sáng, Giám đốc HTX cho biết trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng.
Bằng kinh nghiệm của mình, ngay sau khi thành lập HTX, anh Sáng đã hướng dẫn thành viên tổ chức sản xuất. Kể từ đó, từ việc nhân giống, chọn đất, thiết kế vườn, lên liếp đến áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất... đều được người dân làm một cách bài bản, có kế hoạch cụ thể.
Hiện, trang trại trồng các loại cây ăn trái của HTX Sang's Farm, có diện tích 100 ha đang được canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, vi sinh vật để bón cho cây trồng. Nguồn phân bón hữu cơ cũng được HTX lựa chọn rất kỹ lưỡng. Để bảo vệ môi trường, HTX không dùng thuốc diệt cỏ.
Cây trồng được phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, năng suất cao. Đơn cử, HTX hiện đang có 10 ha bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 200 tấn.
“Để thuận tiện trong chăm sóc, trang trại đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc vi sinh. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn. Các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, không dùng thuốc diệt cỏ”, anh Sáng cho hay.
Cũng từ khi tham gia vào HTX, sản phẩm của bà con đã có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bằng cách làm mới này, chất lượng, năng suất cây ăn trái nói chung, bưởi da xanh nói riêng của người dân thôn bon Rbút ngày càng được được nâng lên.
Theo anh Sáng, hàng năm, HTX sản xuất được từ 150-200 tấn bưởi. Giá bưởi trung bình khoảng 20 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn có các loại cây trồng khác như tiêu, sầu riêng, bơ, mít chuối, và chăn nuôi một số loại như heo rừng, bò, dê... đều cho năng suất cao, doanh thu hàng năm trên 7 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ trái bưởi da xanh đạt trên 2 tỷ đồng.
Đại diện UBND huyện Đắk Glong cho biết, Đắk Glong là huyện chuyên về nông nghiệp, nhiều năm nay có không ít người nông dân đã bắt đầu chuyển hướng canh tác sang nông nghiệp hữu cơ. Tuy bước đầu còn khá nhiều chật vật, nhưng may mắn của người nông dân là có không ít HTX nông nghiệp sạch đã ra đời như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, HTX Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sang's Farm hết lòng hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy, cách làm nông nghiệp. Thậm chí, các HTX cũng nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm sạch của nông dân, qua đó góp phần cải thiện thu nhập cho bà con, khiến người nông dân không còn chịu cảnh sống bấp bênh, cuộc sống ngày càng khá giả hơn.
Hoàng Hà