Đắk Nông có hơn 139.000 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, sản lượng hơn 350.000 tấn, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 120.000 tấn, với kim ngạch đạt khoảng 215 triệu USD/năm. Hiện sản phẩm cà phê Đắk Nông đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới.
Mở ra hướng phát triển mới khi liên kết với HTX
Chị Hoàng Thị Sâm ở thôn 3A xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cho biết, trước đây bà con canh tác cà phê vất vả, nhưng đến vụ thu hoạch thường bị thương lái ép giá và chủ yếu bán nhân xanh. Bên cạnh đó, vấn nạn cà phê tẩm hóa chất, pha trộn đang tràn lan trên thị trường còn cà phê sạch thì bị lép vế… Tuy nhiên, từ ngày được HTX Công Bằng Thuận An hướng dẫn cách trồng cà phê sạch, sản xuất cà phê Arabica theo phương thức Thương mại công bằng tại Việt Nam nhiều hộ gia đình đã có nhiều tiền hơn, thoát nghèo bền vững, thậm chí nhiều gia đình còn vươn lên làm giàu.
Cây cà phê là một trong những cây trồng thế mạnh của Đắk Nông đang được các HTX đẩy mạnh liên kết trồng, sản xuất, mang lại giá trị xuất khẩu cao. |
Niên vụ năm 2022 – 2023, gia đình chị Hoàng Thị Sâm đã được HTX Công Bằng Thuận An ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 8.000 đồng/kg, tương đương với 10% và mang lại giá trị gia tăng 30 triệu đồng/ha.
“Việc kí hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm mình làm ra với HTX như thế này giúp gia đình rất yên tâm, mọi việc thực hiện rất suôn sẻ. Hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều hộ mở rộng liên kết sản xuất và được HTX kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp chúng tôi có thu nhập ổn định và không lo về đầu ra. Đây là điều mà nông dân chúng tôi mong muốn nhất”, chị Sâm cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An cho biết: Hiện nay, HTX đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nông dân... tất cả đều được đặt hàng, định giá và ký kết thỏa thuận rõ ràng.
Bên cạnh đó, HTX đã bắt tay với 6 HTX cà phê khác trong mạng lưới khu vực cho các hộ sản xuất nhỏ để mở rộng thị trường. Không những thế, nhờ tham gia vào hệ thống Fairtrade (thu mua, sơ chế cho các hộ thành viên) nên những năm qua, HTX đã có thêm được nguồn thu từ Quỹ phúc lợi công bằng rất lớn, tương đương 440 USD/tấn, đem về cho thành viên HTX mức lợi nhuận 7,9 tỷ đồng. Với số tiền quỹ này, đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước cho HTX, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và cộng đồng.
Ông Võ Lý, một thành viên của HTX chia sẻ: “Từ khi HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Tôi được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà những năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá cà phê”.
Đến nay, HTX có 112 thành viên, nhờ việc tổ chức sản xuất bài bản sản lượng cà phê trên diện tích 480 ha của các thành viên luôn ổn định ở mức cao, bình quân đạt 674 tấn/vụ, mang lại doanh thu từ 11-18 tỷ đồng/năm.
Đưa hồ tiêu vươn ra thế giới
Một trong những lý do khiến việc sản xuất hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thởm, thôn 7, xã Thuận Hà (Đắk Song) còn chưa hiệu quả là sản xuất tự phát nên đầu ra và giá cả bấp bênh. Có vụ thu hoạch cho thu nhập ổn, nhưng cũng không ít vụ thua lỗ nặng.
“Bí quyết” giúp cho sự liên kết của HTX với các hộ thành viên ở đây thành công là HTX đã chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các thành viên khi tham gia HTX sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất hiện đại. |
Nhưng kể từ hai năm trước, khi gia đình ông tham gia liên kết với HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song), được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, hiệu quả đã thay đổi rõ rệt. Ông Thởm cho biết, gia đình ông có 1.800 trụ tiêu sản xuất hữu cơ, sản lượng khoảng 12 tấn/vụ. “Hiện gia đình tôi bán sản phẩm tiêu cho HTX Hoàng Nguyên với giá cao hơn nhiều so với giá tại các đại lý. Điều này giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập, yên tâm chăm sóc vườn cây. Cuộc sống không còn nghèo khó như trước đây khi chỉ trồng hồ tiêu hữu cơ bán cho các thương lái”.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc cho biết, HTX có mục tiêu rõ ràng là khai thác lợi thế của địa phương để sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Vì vậy, ban đầu HTX bán hồ tiêu cho các công ty để xuất khẩu hồ tiêu hữu cơ sang châu Âu, châu Mỹ. Nhưng 2 năm nay, HTX đã hợp tác với đối tác xuất khẩu trực tiếp, nhưng vẫn xuất khẩu qua đơn vị trung gian.
HTX có trên 195 ha hồ tiêu của 65 thành viên được chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada; đạt OCOP hạng 3 sao.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX cho biết, quá trình phát triển phải chú trọng xây dựng uy tín, chất lượng thì đối tác mới hợp tác, sản phẩm mới xuất khẩu được đến những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản... Các nước này yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát, áp dụng đúng các quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, khi sản phẩm của HTX vào được các thị trường này thì đồng thời khẳng định được giá trị to lớn. Điều này cũng góp phần đưa thương hiệu hồ tiêu Đắk Nông vươn ra thế giới.
Cách tổ chức sản xuất mới mẻ của HTX không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế gấp 2 lần mà còn thay đổi nhận thức, thu hút nông dân tham gia vào HTX. Ban đầu, HTX chỉ có 35 thành viên, nhưng đến nay đã có 202 thành viên, với diện tích hồ tiêu 986 ha.
Cũng theo bà Thu, HTX Hoàng Nguyên có 195,6 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, Canada. Hàng năm, HTX vẫn duy trì việc đánh giá chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn CONTROL UNION với 150 ha tiêu hữu cơ Việt Nam.
Nhờ đó, nhu cầu đặt hàng hồ tiêu hữu cơ đối với HTX ngày càng lớn. Lợi thế này giúp HTX có đầu ra ổn định, giá bán sản phẩm cao. Thông thường, HTX bán sản phẩm tiêu hữu cơ với giá cao hơn giá thị từ 160%.
Hướng đi bền vững
Ở Đắk Nông, những mô hình liên kết như HTX Công Bằng Thuận An hay HTX Hoàng Nguyên đang khá phổ biến. Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng và sản xuất cà phê, hồ tiêu - hai trong những thế mạnh hàng đầu của tỉnh cũng đang được các HTX phát huy triệt để.
Theo lãnh đạo các HTX này, một trong những “bí quyết” giúp cho sự liên kết của HTX với các hộ thành viên ở đây thành công là HTX đã chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các thành viên khi tham gia HTX sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất hiện đại.
Riêng với hồ tiêu, Đắk Nông hiện có 9 liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu, trong đó 2 tổ sản xuất, 4 HTX, 2 doanh nghiệp, với diện tích 1.630 ha. Các liên kết này thu hút 763 hộ tham gia, sản lượng 3.812 tấn, chiếm 3,5% sản lượng hồ tiêu của tỉnh.
Để hỗ trợ những mô hình này phát triển và lan tỏa, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển liên kết sản xuất, khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, lẻ chưa mang tính hàng hóa, việc phát triển nông nghiệp không tuân thủ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh và thiếu tính bền vững. Tư duy sản xuất nông nghiệp của một bộ phận nông dân còn hạn chế, ngại thay đổi phương thức, tập quán canh tác và tổ chức sản xuất mới nên chưa thật sự quan tâm tham gia vào các chuỗi liên kết…
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Hồ Văn Mười nhấn mạnh vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp là một trong 3 trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư trong liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: "Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững".
Hoàng Hà