Nói về nguồn gốc của “chè Chốt”, ông Lý Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết đó là tên mà người dân gọi những cây chè Shan tuyết được trồng trên cao điểm 468 - nơi xảy ra những trận chiến ác liệt thời kỳ chiến tranh biên giới. Chè được bộ đội đóng chốt ở biên cương hái về chế biến trong những chảo nhỏ hoặc mũ cối, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
“Phục hưng” chè truyền thống
Vẫn là những búp trà shan tuyết cổ trên những điểm cao năm xưa nhưng nay được HTX Chè Chốt 468 cải tiến bằng phương pháp trồng hữu cơ, cho ra sản phẩm chè chất lượng cao hơn hẳn.
Theo Ban Giám đốc HTX, trước đây, người dân quen chăm sóc cây chè bằng các loại thuốc hóa học có bán sẵn trên thị trường. Mỗi lần phun thuốc xong, ai cũng thấy mệt mỏi, khó chịu vì hít phải mùi độc hại. Ngoài ra, đất trồng cũng bị thoái hóa, không được màu mỡ. Đây là một trong những nguyên nhân làm thương hiệu “chè Chốt” dần bị mai một, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Chính vì vậy, muốn đưa cây chè vang danh hơn nữa, buộc quá trình sản xuất phải thay đổi nhằm đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Thời gian đầu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các thành viên thấy khá lúng túng, sản lượng cũng có phần sụt giảm so với trước, nhưng đến lứa chè sau, những búp chè xanh tốt, mập mạp đã lấy lại niềm tin của mọi người.
Theo ông Lý Văn Phúc, khí hậu thuận lợi, nguồn nước sạch dồi dào là điều kiện thuận lợi cho những cây chè Shan phát triển và đem lại tiềm năng kinh tế dồi dào. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc đúng theo quy trình thì việc trồng trên quy mô lớn rất khó khăn.
Để khai thác được những búp chè non, đúng kỹ thuật, các thành viên trong HTX đã phải cùng nhau học hỏi kinh nghiệm về việc hái chè, chăm sóc, làm cỏ, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Cách thu hái chè cũng cần bảo đảm kỹ thuật để phục vụ công đoạn chế biến. |
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, HTX chú trọng tiêu chuẩn sản xuất sạch, kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thay vì sử dụng các loại phân hóa học, HTX chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh và phân ủ sinh học bón cho cây chè.
Phân hữu cơ chứa các chất dinh dưỡng khoáng đa, trung và vi lượng giúp cây chè phát triển xanh tốt lâu dài. Ngoài ra, còn cung cấp chất mùn giúp cải tạo đất, làm tăng độ phì nhiêu, độ tơi xốp, thúc đẩy bộ rễ cây chè phát triển. Phân hữu cơ khi được bón vào đất còn giúp gia tăng ổn định kết cấu đất, giúp hạn chế sói mòn, lở đất, giảm thiểu hạn hán ở khu vực đồi núi mà HTX đang canh tác.
“Nếu sử dụng phân hoá học, về lâu dài sẽ làm đất bị hoá chua, cằn cỗi. Đặc biệt, sử dụng phân đạm hoá học nhiều với hàm lượng cao sẽ gây tích luỹ hóa chất trong cây là nguy cơ đe dọa sức khoẻ của con người và môi trường”, ông Lý Văn Phúc, cho biết.
Từ khi áp dụng phương pháp trồng chè hữu cơ, các thành viên và người lao động tại HTX đều thấy sức khỏe tốt hơn, không khí môi trường trong lành, chất lượng chè đảm bảo, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các đơn vị thu mua với số lượng lớn.
Thấm đẫm hương vị đất trời
Đến nay, HTX đã thu hút thêm 3 thành viên với tổng diện tích 31,2ha (cả trồng mới cả cải tạo). Những năm trước, chè thu hái xong, người dân phải đi bộ mấy chục cây số mới bán được với giá chỉ 10.000 đồng/kg chè tươi. Nhưng giờ đây đã có HTX đứng ra thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, thành viên hái đúng 1 vụ và HTX đứng ra thu mua với số lượng khoảng 7 tạ chè tươi phục vụ chế biến.
Nguyên liệu chế biến chè đều được thu hái vào những ngày trời không mưa. Tiêu chuẩn hái 1 tôm 2 lá non, búp chè phải phát triển bình thường, không bị sâu mới được thu mua. Búp chè sau đó được hong để khô sương và thoát hết khí nóng.
Quá trình sản xuất HTX không trộn, ướp thêm bất kỳ chất gì và không lấy chè trồng ở nơi khác pha vào. Tuy hầu hết quy trình chế biến được thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và công lao động nhưng bảo đảm cho ra thứ thức uống tinh khiết đặc trưng.
HTX đã góp phần khôi phục và phát triển thương hiệu chè địa phương (Ảnh:TL) |
Chè có màu xanh ngọc bắt mắt, hương thơm dịu, vị ngọt hậu và đã trở thành một thương hiệu vững chắc đối với người tiêu dùng. Năm 2019, HTX vinh dự được đón nhận Giấy chứng nhận chè Shan tuyết hữu cơ, mở cơ hội liên kết với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.
Trung bình hàng năm, mỗi thành viên trong HTX có nguồn thu nhập 150-200 triệu đồng. Đây là điều kiện giúp các thành viên và người dân ổn định cuộc sống và gắn bó với cây chè.
Để phát triển lâu dài, HTX đang tập trung tuyên truyền, vận động thêm nhiều bà con cùng tham gia mô hình liên kết, phấn đấu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Huyền Trang