Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế nông nghiệp, huyện Triệu Phong đã tập trung xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo vùng. Đến nay đã thực hiện cấp chứng chỉ cho 44 trang trại, phát triển một số mô hình con nuôi phù hợp với thế mạnh từng địa phương.
Chăn nuôi sinh học
Trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” tại huyện Triệu Phong, xuất hiện nhiều điển hình cá nhân đạt thành tích xuất sắc trên lĩnh vực phát triển kinh tế.
Chị Trương Thị Sẻ, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi hữu cơ thôn Nam Phước, xã Triệu Phước là một trong những điển hình. Từ vài trăm con gà ta thả vườn ban đầu, sau 5 năm, trang trại nuôi gà ta của chị hiện đã có số lượng trên 10 ngàn con/năm, lãi bình quân đạt 200 triệu đồng mỗi năm.
Chăn nuôi an toàn sinh học mang lại nhiều lợi thế (Ảnh TL). |
Để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, chị Sẻ cùng các thành viên trong tổ hợp tác luôn chú trọng việc cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là thời điểm giữa lứa cũ và lứa mới.
Đơn cử, trong chăn nuôi, chị Sẻ sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm, mùi hôi từ chất thải của gà. Việc dùng đệm lót cũng giúp nguồn chất thải trở thành phân chuồng an toàn phục vụ trồng trọt.
“Hiện mỗi lứa nhà tôi nuôi bình quân 2.000 - 2.500 con gà ta, trong thời gian 3 - 3,5 tháng cho xuất chuồng một lứa. Nhờ chăn nuôi an toàn sinh học, gà có giá bán ổn định, cho thu nhập cao”, chị Sẻ phấn khởi nói.
Tương tự, mô hình nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Triệu Trạch được triển khai từ tháng 9/2019 cũng đang cho hiệu quả cao cả về kinh tế và môi trường sinh thái.
Xác định sản xuất an toàn là yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững, trong quá trình triển khai, các hộ chăn nuôi được tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức về chăn nuôi liên kết và thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chuồng nuôi được đầu tư nâng cấp, có lồng sắt phân chia khoang, máy vi tính nối mạng (để học tập kỹ thuật chăn nuôi), hầm khí biogas... Các chuồng nuôi có khu xử lý chất thải riêng, bảo đảm không gây mùi, giảm ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi.
Hướng tới phát triển bền vững
Theo đại diện UBND huyện Triệu Phong, chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng phát triển nhiều năm qua. Trong bối cảnh các loại dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt thì phương pháp này càng cho thấy những lợi ích thiết thực.
Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học sẽ tiếp tục được chú trọng đầu tư (Ảnh TL). |
Để tiếp tục nâng cao giá trị chăn nuôi cho người dân, huyện dự kiến thúc đẩy chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa. Phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Về thủy sản, huyện chỉ đạo xây dựng 1 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại xã Triệu Lăng và tiếp tục xây dựng 3 mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tại 2 xã Triệu Vân và Triệu An từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, 1 mô hình chế phẩm sinh học tại Triệu Vân, 1 mô hình nuôi cá Leo tại Triệu Hòa quy mô 0,3 ha.
Triệu Phong cũng sẽ tiếp tục ổn định đàn trâu, phục hồi quy mô số lượng đàn bò, đàn lợn, gia cầm thông qua việc phát triển các HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, các mô hình nuôi bò nâng cao năng suất, phấn đấu xây dựng 1-2 trang trại, 2-3 gia trại trong năm 2021.
Huyện chú trọng đầu tư, phát triển mô hình nuôi gà, lợn theo phương pháp canh tác tự nhiên, thân thiện môi trường tạo ra sản phẩm mang thương hiệu gà sạch, lợn sạch Triệu Phong.
Hưng Nguyên