Hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế tập thể, lập thân lập nghiệp trên quê hương, Giàng A Dạy, chàng trai dân tộc Mông đã về quê (Mai Sơn) thành lập HTX Nông nghiệp xanh Amo với mục đích giúp người dân có cái nhìn khác về nông nghiệp.
Đi lên từ mô hình HTX
Khi đang là sinh viên năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh (trường Đại học Tây Bắc), biết có chương trình tu nghiệp khởi nghiệp tại Israel, chàng trai sinh năm 1993 Giàng A Dạy đã đăng ký tham gia. 11 tháng sang Israel làm việc là từng ấy thời gian Giàng A Dạy được “mở tầm mắt” về việc phát triển nông nghiệp.
Khi trở về nước, Dạy bắt tay trồng rau hữu cơ ở xã Mường Bon. Trên diện tích 3.000m2, anh vừa trồng các giống rau bản địa, vừa nhập các giống rau từ nước ngoài về trồng để đa dạng đầu ra.
Không sử dụng phân bón hóa học, tập trung cung cấp nguồn dinh dưỡng từ phân hữu cơ và cải tạo đất giúp rau của Giàng A Dạy được thị trường đón nhận.
Trước thành công này, vào năm 2018, Giàng A Dạy cùng 45 bạn thanh niên thành lập HTX Nông nghiệp xanh Amo, cùng thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 45ha.
![]() |
HTX Amo tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ đi đôi với bảo vệ môi trường (Ảnh: TL) |
HTX tập trung vào trồng bưởi, nhãn, xoài, chanh leo, mận hậu, na, chuối, bơ, thanh long; cây dược liệu; rau các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Gia súc và gia cầm ngoài ăn cỏ sẽ được bổ sung thức ăn ủ chua lên men tự nhiên từ lá ngô, rơm, ngọn mía, ngô, đậu tương, mật mía… giúp tăng sức đề kháng và tạo nguồn phân chất lượng để bón cho diện tích cây trồng. Hiện HTX có đàn bò 200 con, thực hiện nuôi nhốt để bảo đảm vệ sinh, hạn chế dịch bệnh.
Đối với diện tích cây trồng, HTX đầu tư lắp đặt hế thống tưới tự động, nhà màng để hạn chế sự tác động cảu thời tiết, sử dụng nước hợp lý phục vụ sản xuất.
Không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, HTX Nông nghiệp xanh Amo đã giúp thành viên và người dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Trong quá trình làm việc, mọi người đều chú ý đến vấn đề môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tư duy sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ, tự cung tự cấp đã nhường chỗ cho mô hình sản xuất bài bản, có liên kết để rộng đầu ra. Các dịch vụ sản xuất cũng quan hệ mật thiết nhằm tạo vòng tròn sản xuất, vừa hạn chế chất thải, vừa nâng cao giá trị nông sản.
Lan tỏa nền nông nghiệp xanh
Là một người trẻ, có nhiều khát vọng, từng trải nghiệm ở một nền nông nghiệp tiên tiến, Giàng A Dạy đã dần thuyết phục được những người dân trong bản tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo anh Giàng A Dạy, người dân vốn có truyền thống sản xuất cây trồng, vật nuôi nhưng chủ yếu là theo kinh nghiệm. Việc thành lập HTX có thể phát huy được thế mạnh về nhân lực.
Thêm vào đó, muốn đa dạng sản phẩm, đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì cần phải tăng cường liên kết để mở rộng về diện tích đất đai, vốn, nhất là khi thành viên HTX còn non trẻ.
Nhờ liên kết, HTX cũng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng sản xuất một cách bài bản, khoa học, có đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho chính thanh niên và người dân các địa phương.
Cũng giống như HTX Amo, các thành viên của HTX Nông nghiệp xanh 26/3 (phường Chiềng Sinh) đều thuộc thế hệ 8x, 9x trên địa bàn TP Sơn La, trong đó có 1 thạc sĩ và 5 kỹ sư nông nghiệp. HTX đang duy trì 6 ha vườn trồng cà chua, bắp cải, các loại rau ăn lá; áp dụng công nghệ cao bằng việc đầu tư hệ thống tưới nước tự động, nhà lưới và nghiên cứu đưa các loại giống cây trồng mới vào sản xuất.
![]() |
HTX Nông nghiệp xanh 26/3 phát triển trên 20 loại rau củ quả bằng việc ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: TL) |
Các sản phẩm đều đảm bảo tiêu chí “5 không” (không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc hóa học trừ sâu, không dùng các chất kích thích tăng trưởng, không dùng phân bón hóa học và không dùng các giống đột biến gen).
Hai gian hàng xanh của HTX chuyên bán, giới thiệu sản phẩm tại chợ Rặng Tếch và chợ 7/11 luôn đa dạng với trên 20 loại rau, củ, quả: Cà chua, dưa chuột, đậu cove, rau muống, cải các loại...
Năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt gần 3 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương (mức lương từ 5-8 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, với việc tiên phong đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX Nông nghiệp xanh 26/3 đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp xanh của địa phương.
Có thể thấy, khởi nghiệp từ mô hình HTX không chỉ thể hiện sự đổi mới trong tư duy sản xuất của các bạn trẻ mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, với lợi thế sức trẻ, nhiệt huyết, tri thức và tư duy đổi mới, biết cách nắm bắt nhu cầu thị trường, các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh chủ động thành lập và tham gia HTX là điều rất đáng khích lệ, vì góp phần nâng chất lượng ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế địa phương nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn.
Liên minh HTX đang phối hợp với Tỉnh đoàn hỗ trợ các bạn trẻ về tập huấn nâng cao năng lực sáng tạo, xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để thanh niên có thể phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường thông qua mô hình kinh tế tập thể.
Đến nay, mô hình thanh niên khởi nghiệp thông qua HTX đã lan tỏa trên địa bàn tỉnh Sơn La, thu hút được không ít bạn trẻ tham gia. Tiêu biểu như mô hình sản xuất của HTX thủy sản Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai), mô hình sản xuất của HTX Quỳnh Nhai Travel...
Huyền Trang