Bén duyên với HTX
Sinh năm 1978, tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Huế năm 2003, cô Hà về lại quê hương A Lưới gieo chữ trồng người, và ngôi trường THPT A Lưới là nơi cô công tác. Quá trình công tác, cô Hà luôn suy nghĩ phải làm cái gì đó cho bản thân và nhất là đưa bản sắc văn hóa dân tộc Tà Ôi của mình ngày càng phát triển.
Chính sự kết nối từ các cuộc hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển làng nghề, phát triển du lịch, khởi nghiệp sáng tạo… mà cô Hà may mắn được tham gia đã thôi thúc khát khao thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào dân tộc mình.
Cô giáo Hồ Thị Thu Hà giới thiệu sản phẩm dệt zèng truyền thống tại gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm (Ảnh: TL) |
Cô giáo Hồ Thị Thu Hà cho biết, nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống của đồng bào mình nhất thiết phải tập hợp được những nghệ nhân, những người thợ có tay nghề cao, đồng thời tìm được đầu mối để tiêu thụ sản phẩm làm ra, đảm bảo được ngày công, duy trì việc làm và thu nhập của người lao động. Sau thời gian trăn trở, tham khảo ý kiến của người thân, gia đình và đồng nghiệp cũng như lãnh đạo địa phương, phương án hiệu quả nhất được đưa ra là thành lập HTX.
Từ nhận thức đến suy nghĩ rồi hành động, cô Hà đã quyết định thành lập HTX. Ngày 15/11/2019, HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia của 12 thành viên và 15 cộng tác viên đến từ các xã A Ngo, A Đớt, A Roàng (huyện A Lưới). Với hoài bão muốn sản phẩm dệt zèng truyền thống không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn đến với thời trang hiện đại, vươn ra nhiều địa phương trên cả nước và thế giới nên những khó khăn ban đầu như kinh phí, về điểm trưng bày, giới thiệu bán hàng, kết nối tiêu thụ sản phẩm không làm cô Hà chùn bước.
Dệt zèng là nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: TL) |
“Về vốn và kết nối tiêu thụ sản phẩm, tôi gia đình tự xoay xở, lấy ngắn nuôi dài. Thời gian đầu, người dệt là các thành viên, cộng tác viên hỗ trợ sản phẩm, HTX trả lại tiền công. Dần dần bán được sản phẩm thì HTX chú trọng vào các việc đầu tư nhà xưởng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, ngày càng có nhiều người dân đến tham gia, và chính họ đã tạo nên sự lớn mạnh cho HTX”, cô Hà chia sẻ.
Giữ lửa cho nghề truyền thống
Sau một thời gian hoạt động, nhờ tham gia các hội nghị mà cô Hà đã kết nối và duy trì hàng loạt cửa hàng ở Huế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm dệt zèng bay xa. Đầu năm 2020, cô cùng với đồng nghiệp hướng dẫn học sinh Trường THPT A Lưới thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát triển nghề dệt zèng hướng đến phát triển du lịch về nguồn ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đề tài này đã đạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học và kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT tổ chức.
Trước tình hình nhiều học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới ra trường không có việc làm, HTX đã liên kết với học sinh THPT trên địa bàn nhận hàng về nhà làm thành phẩm với những mặt hàng lưu niệm có gắn kết, trang trí bằng vải zèng, góp phần giúp đỡ gia đình các em cải thiện được cuộc sống. Hiện nay, nguồn thu nhập cho các cộng tác viên là 100.000 đồng/ngày công và các thành viên là 200.000 đồng/ngày công.
Dệt zèng không chỉ là một nghề thủ công đơn thuần, mà còn là thước đo để đánh giá nhiều giá trị trong đời sống của người Tà Ôi (Ảnh: TL) |
Đặc biệt hơn, trước nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc vùng A Lưới, chính quyền và người dân nơi đây đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ nghề dệt zèng truyền thống. Cô Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới cho biết: “HTX ra đời đã tăng cường sự phối hợp giữa Trường THPT A Lưới với HTX nhằm đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Đây cũng là hướng đi hiệu quả nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp THPT nhưng không có điều kiện học lên. Ngoài ra, nhiều năm nay, nhà trường đã đưa trang phục truyền thống vào trường học. Chủ trương này được thầy cô giáo và các em học sinh hưởng ứng tích cực, vừa tạo nét đẹp văn hóa học đường, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi”.
Hiện tại, HTX đã tạo được 20 mẫu sản phẩm lưu niệm có gắn kết vải zèng và hoa văn cườm: Mũ nam nữ, cài, kẹp tóc, hoa tai, cà vạt, thắt lưng, túi xách nam nữ, khăn quàng cổ, búp bê, huy hiệu, ví điện thoại, dây đồng hồ, tranh thư pháp, áo dài, nơ, dây thun cột tóc, ba lô, vòng tay. Bên cạnh đó, HTX đã mở quầy bán hàng tại xã A Ngo với diện tích 30m2, một cơ sở dệt 100m2 với 10 công nhân dệt, 1 cơ sở may trang phục với 5 công nhân, cùng với 15 hộ liên kết dệt và sản xuất hàng lưu niệm, trang sức, phụ kiện...
“Thời gian tới, HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã A Ngo mở tour du lịch cộng đồng tại đập A Lá để phục vụ du khách du lịch trong ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các công đoạn làm các sản phẩm từ zèng của người Tà Ôi”, cô Hà chia sẻ.
Hoài Nam