Tháng 9/2016, HTX Trần Phú ở thôn Nà Sát, là HTX đầu tiên của xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn được thành lập, với 8 thành viên. Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phan Văn Tuân đã “đứng mũi chịu sào” đảm nhiệm vai trò Giám đốc HTX.
Vạn sự khởi đầu nan
Để vận động thành viên tham gia HTX, anh Tuân đã thuyết phục mọi người làm giàu từ HTX chăn nuôi, trồng trọt. Ai cũng cho rằng anh “khùng” với ý định đó và đều từ chối. Chỉ duy nhất một hộ đồng ý tham gia HTX cùng anh.
Sau lần ấy, anh Tuân vẫn kiên trì đi từng nhà thuyết phục các gia đình trong thôn về lợi ích của việc thành lập HTX và trình bày những ý tưởng phát triển kinh tế từ mô hình HTX sản xuất chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
“Vạn sự khởi đầu nan”, con đường khởi nghiệp của Phan Văn Tuân không hề bằng phẳng. Khi được thành lập, ngay lập tức HTX đầu tư xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi quy mô công nghiệp trên diện tích đất cho thuê lại của một thành viên.
Khi khu chăn nuôi hoàn thiện với đầy đủ chuồng trại, tường rào, hầm biogas, nhà trụ sở… cũng là lúc chính quyền địa phương yêu cầu HTX không được phép hoạt động tại địa điểm này, vì “ảnh hưởng môi trường”. Vậy là mất trắng hơn 200 triệu đồng đổ vào xây dựng hạ tầng, trong khi vốn điều lệ của HTX chỉ có 480 triệu đồng.
Không nản chí trước khó khăn bước đầu, anh Tuân mạnh dạn viết thư tham gia chương trình Khởi nghiệp của VTC16 với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ. Chương trình Khởi nghiệp đã lựa chọn khảo sát và gia đình anh trở thành nông hộ nhận được sự trợ giúp. Các chuyên gia của chương trình đã tìm đến tận nơi khảo sát, tính toán và tư vấn, hướng dẫn cho anh xây dựng mô hình chăn nuôi gà.
Trước khi đầu tư, anh Tuân đi tham quan, tìm hiểu thực tế và nhận thấy giống gà Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu miền núi tỉnh Bắc Kạn.
Giống gà này có tập tính tự kiếm ăn, sức đề kháng tốt giống như gà ta bản địa. Ban đầu, HTX Trần Phú nhập về 2.000 con gà Lạc Thủy, chăm sóc đúng kỹ thuật dưới sự giám sát, hỗ trợ của các chuyên gia nên lứa gà phát triển rất tốt.
Mô hình nuôi gà của HTX |
Hướng đến chuỗi sản phẩm tổng hợp
Đến nay, HTX đang chăn thả 4.000 con gà Lạc Thủy, 200 con ngan và trồng hơn 200 cây chanh đào. Những lứa gà của HTX được tính toán thời gian xuất bán vào các dịp lễ, Tết nên đầu ra cho sản phẩm không đáng lo ngại.
Nói về những dự định trong thời gian tới, Giám đốc Phan Văn Tuân cho biết: “Với mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hình thành các tổ sản xuất như chăn nuôi nuôi gà, trâu bò, trồng rau bò khai, cây ăn quả… Tận dụng nguồn chất thải gia súc để nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, phân gà sẽ được xử lý làm phân hữu cơ bón cây, tạo thành chu trình khép kín đa cây, đa con, tiến tới sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm tổng hợp”.
Nhận thức được vai trò quan trọng việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, HTX đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động xây dựng phương án hoạt động.
Do đó, từ số vốn khởi điểm mới chỉ có 480 triệu đồng, hiện nay HTX đã tăng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ đồng; nhân rộng, phát triển đàn gà lên hơn 2 vạn con.
Điều này khẳng định, HTX đã chọn cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tạo việc làm cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Là người “đứng mũi chịu sào”, để đưa HTX đi lên, tăng nguồn thu cho các thành viên, mở rộng thị trường, anh Tuân đã tích cực đăng ký tham gia nhiều cuộc thi. Mục đích vừa để nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh, vừa để có thêm cơ hội kết nối được với các đơn vị, doanh nghiệp sát cánh cùng phát triển theo phương châm đôi bên cùng có lợi.
Không chỉ tham gia các cuộc giao lưu trao đổi, giới thiệu sản phẩm ở địa phương, Giám đốc HTX Trần Phú còn tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” được thực hiện dưới sự bảo trợ từ Đề án 844.
Đây là một đề án quan trọng của Chính phủ về việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua Bộ KH&CN, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA cùng một số tập đoàn, công ty, doanh nghiệp cùng phối hợp tổ chức nhằm giúp đỡ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thực hiện sản phẩm.
Hà Xuyên