Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) phấn khởi giới thiệu: “Dược liệu Mê Linh là HTX đầu tiên đưa Mê Linh tiến thêm một bước đến quá trình hoàn thành 19 tiêu chí Nông thôn mới”.
Nền tảng là kinh nghiệm, kiến thức
Trên quãng đường sỏi đá gồ ghề dẫn vào cơ sở sản xuất ở thôn 8, chị Ninh Thị Sen - Giám đốc HTX Dược liệu Mê Linh, cho biết HTX được hình thành dựa trên nền tảng kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành sản xuất dược phẩm của mình.
Chị Sen kể, 5 năm trước, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu thuốc mà người phụ nữ 35 tuổi chấp nhận rời xa quê hương, gia đình vào vùng đất Lâm Đồng xa xôi. Ròng rã hơn 1 năm, Đam Rông, Tân Thanh (Lâm Hà), Đơn Dương… chị lần lượt thử qua nhưng thất bại. Không nản lòng, chị Sen tìm tiếp đến với vùng đất Mê Linh.
“Để thử nghiệm, mình thuê 2 ha đất của bà con DTTS nhưng chủ yếu vẫn trồng rau và chanh dây, chỉ dành vài sào để thí điểm đương quy. Đến thời gian thu hoạch thì gửi mẫu ra Viện Dược liệu tại Hà Nội để kiểm định hàm lượng hoạt chất. Kết quả thu được đã chứng minh rằng trời không phụ lòng người”, chị Sen nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
Chị Sen bảo những người sản xuất dược liệu như chị vẫn nói vui với nhau rằng dược liệu là cây trồng của người giàu, bởi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, gấp nhiều lần những loại cây thông thường. Đồng thời, để có thể trồng thành công, sản phẩm đạt chất lượng cao thì bản thân người trồng cũng phải nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm trong nghề và cũng phải có kiến thức cơ bản về các loại cây thuốc. Kinh nghiệm nhiều năm cộng với kiến thức được đào tạo ở Trung Quốc, Nhật Bản là nền tảng vững chắc giúp chị thành công ở vùng đất mới.
Hiện tại, HTX Dược liệu Mê Linh có 9 thành viên. Để bảo đảm chất lượng, các loại dược liệu được sơ chế ngay sau khi thu hoạch. Ngoài cung cấp nguyên liệu đã sơ chế cho các DN sản xuất dược liệu, chị Sen đang hình thành sản xuất giống cho Trung tâm cây thuốc Hà Nội với 7 loại, gồm đương quy, cắt cánh, đẳng sâm, đan sâm, hà thủ ô, sa nhân, cúc hoa.
“Vì sản phẩm đạt hàm lượng hoạt chất cao nên mình không phải lo về đầu mối tiêu thụ. Hiện nay, tính cả diện tích ở xã Liên Hà (huyện Lâm Hà) và Di Linh thì vẫn chưa đủ cung cấp so với nhu cầu của các công ty”, chị Sen cho hay.
[Caption]Giám đốc Ninh Thị Sen mong muốn mở rộng liên kết sản xuất cho bà con DTTS |
Mở rộng liên kết với bà con DTTS
Theo Giám đốc HTX, trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất, không thể lơ là bất cứ giai đoạn nào. Riêng với chị, khâu hạt giống luôn được chú trọng. Đất ở Mê Linh thích hợp để ươm giống nên nhờ đó có thể hạ thấp đi chi phí đầu tư ban đầu.
Nếu hạt giống không bảo đảm thì quá trình chăm sóc có cẩn thận đến mấy thì đầu ra cũng không đạt chất lượng. Giống bây giờ phải đặt lên hàng đầu chứ không còn “nhất nước nhì phân, tam cần tứ giống” như trước đây nữa.
Ông Vũ Bá Yêu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lâm Hà, cho biết sau khi làm việc với UBND xã và các phòng, ban chuyên môn của huyện, thời gian tới, HTX sẽ xây dựng kế hoạch mở rộng liên kết với bà con DTTS còn khó khăn ở các thôn Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối… để giúp bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập tiến đến ổn định đời sống. Theo chị Sen, mặc dù nhận thức của bà con DTTS còn nhiều hạn chế, song với khoảng cách từ HTX đến khu vực dân cư này khá ngắn, HTX có thể hỗ trợ cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, đốc thúc bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, nếu phát triển được thì đây sẽ là vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài với diện tích lớn.
Hồng Thắm